Giải trí

Tên tuổi Chân Tử Đan bị lợi dụng cho vụ lừa đảo cấp quốc tế

Hàng loạt nghệ sĩ hóa trang nước Anh bị lừa tới Indonesia để tham gia phỏng vấn cho một dự án điện ảnh đã bị hủy bỏ của ngôi sao hành động Hoa ngữ.

Chân Tử Đan là ngôi sao hành động võ thuật hàng đầu châu Á. Song, chỉ khi tham gia một trong những thương hiệu điện ảnh lớn nhất lịch sử là Star Wars, cái tên của tài tử mới thực sự được người phương Tây chú ý. Đó là Rogue One: A Star Wars Story (2016), phần phim ngoại truyện chuẩn bị ra mắt vào tháng 12.

Dĩ nhiên, Chân Tử Đan vẫn không quên bồi đắp tên tuổi ở châu Á. Một trong những nỗ lực của anh là The Master: tác phẩm hành động có bối cảnh trải dài khắp toàn cầu.

Chân Tử Đan chuẩn bị xuất hiện trong Rogue One: A Star Wars Story. Nhưng anh lại mới trở thành bình phong cho một lừa đảo tầm cỡ quốc tế. Ảnh: Disney.

Theo kế hoạch, The Master có kinh phí sản xuất khoảng 60-73 triệu USD, do xưởng Super Hero Films của chính Chân Tử Đan với “ông lớn” Huaxia Film Distribution hợp tác sản xuất. Đứng sau bộ phim là đạo diễn Trịnh Bảo Thụy, người từng hợp tác với ngôi sao ở Tây du ký: Đại náo thiên cung (2014).

Một tài liệu của tạp chí The Hollywood Repoter ghi nhận quá trình ghi hình The Master dự kiến kéo dài sáu tuần, với thời điểm bắt đầu là tháng 11. Ban đầu, đoàn làm phim sẽ có mặt tại Jakarta, Indonesia, rồi sau đó lần lượt tới Hong Kong, Bangkok, và cuối cùng là Bắc Kinh.

Những con cá mắc câu

Hồi đầu tháng 7, hàng loạt nghệ sĩ hóa trang và công ty môi giới nghệ sĩ hóa trang tại châu Âu nhận e-mail từ một người phụ nữ tự xưng là Lý Doãn Triệu, với tên thân mật là Leslie. Người này sở hữu hòm mail có đuôi của Huaxia, giới thiệu mình là người Trung Quốc và là một trong những quản lý sản xuất của The Master.

Huaxia vốn là một trong hai đơn vị phát hành phim lớn nhất Trung Quốc, chuyên kiểm soát quyền phát hành các bom tấn Hollywood tại quốc gia tỷ dân và rất được các đối tác ngoài nước nể trọng.

Trong e-mail, Leslie giải thích rằng bà muốn tìm kiếm một nghệ sĩ đứng đầu tổ hóa trang, chịu trách nhiệm hóa trang và làm tóc cho toàn bộ dàn diễn viên của The Master.

Mandi Martin, một đại diện của công ty hóa trang Milton, chia sẻ rằng có một chút kỳ lạ trong yêu cầu của Leslie khi bà ta viết rằng: “Chúng tôi đề nghị một nghệ sĩ còn ít kinh nghiệm để thực hiện một công việc chuyên nghiệp, có mức thù lao hậu hĩnh”.

Mức lương mà Leslie đưa ra là 180.000-205.000 USD, và người nghệ sĩ được làm việc trực tiếp với đạo diễn và nhà sản xuất để cho ra tạo hình các nhân vật.

Tuy nhiên, Leslie không chỉ “tấn công” những người nổi tiếng như Mandi Martin, mà cả những nghệ sĩ đang muốn khẳng định tên tuổi của bản thân ở tầm quốc tế, như Heather Pitchford là một ví dụ.

“Leslie gửi e-mail ghi rõ tên những người mà tôi từng cộng tác trong quá khứ và nói rằng chính họ tiến cử tôi cho bà ta. Tôi mới tham gia một dự án ở Malaysia và bà ta bảo cảm thấy ấn tượng trước cách tôi làm việc với người nước ngoài. Nói cách khác, Leslie cho tôi cảm giác như mình đã được chọn”, cô nói.

Người nghệ sĩ hóa trang thừa nhận rằng cô rất “khát khao được bước lên tầm nhà thiết kế”. Lời hứa của Leslie rằng Pitchford sẽ được làm việc trực tiếp với đạo diễn và nhà sản xuất, can thiệp vào quá trình sáng tạo nhân vật, đã đánh trúng tâm lý của cô.

Heather Pitchford là một trong những nạn nhân của vụ lừa đảo. Ảnh: IMDb.

Liên lạc giữa Pitchford và Leslie không thông suốt và thiếu chuyên nghiệp, bởi người phụ nữ Trung Quốc thường xuyên không trả lời điện thoại và đổ lỗi cho khác biệt về múi giờ. Nhưng mọi sự nghi ngờ gần như bị xóa tan khi người nghệ sĩ nhận được tập tài liệu in màu đẹp đẽ, miêu tả cặn kẽ dự án.

Khi kiểm tra trang IMDb, Pitchford cũng thấy sự tồn tại của The Master, với Chân Tử Đan trong vai chính. Không có tên diễn viên nào khác, nhưng ở tập tài liệu của Leslie, nó ghi rằng Tạ Đình Phong cùng Châu Nhuận Phát đã nhận lời, và nhà sản xuất đang thương lượng để mời huyền thoại Bollywood Shah Rukh Khan tham gia dự án.

Chuyến đi kỳ lạ tới Jakarta

Sau vài tuần thảo luận, Leslie yêu cầu Pitchford bay tới Jakarta, nơi dự án The Master được cho là đang trong giai đoạn tiền kỳ. Cô sẽ ngồi thảo luận với đoàn làm phim, tổ chức các buổi giới thiệu ý tưởng, và tham gia quá trình khảo sát bối cảnh.

Điều bất thường là Pitchford phải tạm bỏ tiền túi cho vé máy bay và số tiền sẽ được hoàn trả khi cô nhận lương. Khi có mặt tại Jakarta, người nghệ sĩ còn phải lập tức trả 1.200 USD tiền mặt cho tài xế như một dạng thuế, giúp cô di chuyển dễ dàng tại quốc gia Đông Nam Á.

Sau 17 tiếng bay từ London tới Jakarta, Pitchford làm đúng như chỉ dẫn rồi được đưa tới một khách sạn cách sân bay Soekarno-Hatta khoảng 5 tiếng lái xe. Theo tài liệu chỉ dẫn, hôm sau là ngày cô đi khảo sát bối cảnh.

Khi chiếc xe dừng lại, thay vì lời chào của Leslie và ê-kíp sản xuất, người nghệ sĩ hóa trang nhận ra mình đang có mặt ở một địa điểm du lịch. Pitchford hồi tưởng: “Gã tài xế với vốn tiếng Anh ít ỏi cứ thế bảo ‘Đi chụp ảnh đi, đi chụp ảnh đi’. Còn tôi thì chất vấn, ‘Tôi phải gặp ai?’. Gã bèn đáp lại, ‘Không gặp gỡ gì cả, đi chụp ảnh đi’”.

Lúc ấy, trong Pitchford vẫn còn chút niềm tin mong manh và cô đi loanh quanh chụp ảnh mọi thứ. Địa điểm tiếp theo là một nhà hát múa rối. Trong kịch bản sơ lược của The Master, đúng là có một cảnh phim diễn ra tại đây. Và cô lại chăm chú chụp hình nhằm gây ấn tượng với ê-kíp sản xuất sau này.

Vở kịch hạ màn

Nhưng cũng tại chính nhà hát múa rối ấy, Pitchford khám phá ra rằng cô không phải là người nghệ sĩ hóa trang ngoại quốc duy nhất đang có mặt tại đó. Cô bắt chuyện với một cô gái khác tập trung chụp ảnh như mình, để rồi nhận ra người đó cũng tới Jakarta vì Leslie.

Cô gái mà Pitchford mới gặp có tên Anna Cichon, người vẫn nuôi hy vọng dù đã có mặt ở Jakarta suốt một tuần lễ.

Anna Cichon mới tham gia làm tóc cho các nhân vật trong Kingsmen: The Secret Service (2015) và The Legend of Tarzan (2016). Nhưng ở tư cách nghệ sĩ hóa trang và được xuất hiện tên ở credits cuối phim, cô mới chỉ có một dự án Razors.

Leslie chỉ mất đúng 10 ngày để lừa Anna Cichon tới Jakarta. Toàn bộ chi tiết của chuyến đi giống y hệt như những gì Pitchford trải qua.

Ngày thứ hai tại Jakarta, Pitchford nhận cuộc điện thoại từ Leslie. Người phụ nữ nói rằng cô vẫn là lựa chọn hàng đầu của ê-kíp, nhưng buổi gặp gỡ giữa hai người không thể diễn ra trong buổi tối hôm đó vì lý do… tắc đường. Leslie nói rằng bà ta muốn gặp Pitchford tại sân bay trước khi cô trở về London.

Song, tại khách sạn, Pitchford nhận được e-mail từ một đối tác ở Hong Kong. Cô nhờ người này liên lạc với Chân Tử Đan và phía tài tử cho biết họ không hề biết gì về việc dự án The Master đang trong giai đoạn tiền kỳ.

Một người bạn khác của Pitchford tại Lãnh sự quán Anh quốc thì nói rằng cô nên “kiểm tra rồi gói ghém đồ đặc, giữ chặt hộ chiếu, và đi ra thẳng sân bay để về nước ngay lập tức”. Bạn cô muốn chắc chắn rằng kẻ xấu không nhét ma túy hay chất kích thích vào hành lý của Pitchford khi người nghệ sĩ đi ra ngoài khách sạn.

Theo Anna Cichon, cô đã mất khoảng 7.300 USD cho hai chuyến đi tới Jakarta, Indonesia. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có ngày trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo. Giờ tôi rất suy sụp và không muốn nghĩ đến chuyện này nữa”, cô nói.

Có thể thấy toàn bộ màn lừa đảo tinh vi chỉ để chiếm số tiền hơn 1.200 USD mà mỗi nghệ sĩ hóa trang phải đưa cho gã tài xế tại sân bay. Số tiền đó không lớn và khó gây ra nghi ngờ cho họ, “bởi 1.200 USD để ai đó lái mình đi lòng vòng tại một đất nước xa xôi trong vòng bốn ngày là hoàn toàn chấp nhận được”, như lời giải thích của Pitchford.

Cho đến giờ, đã có khoảng 20 nghệ sĩ hóa trang, chủ yếu là người Anh, dính phải chiêu lừa của Leslie. Tất cả đều là phụ nữ trẻ, làm việc trong ngành hóa trang, đang tìm kiếm một dự án quốc tế để nâng tầm bản thân.

Mới đây, Bộ phận Chống lừa đảo của Lãnh sự quán Anh quốc đã vào cuộc và điều tra vụ việc. Song, do nó mang tính chất xuyên quốc gia, họ cần thêm thời gian để cảnh sát sở tại có thể vào cuộc và tìm ra kẻ xấu.

Một nhà sản xuất người Anh cho rằng chính Chân Tử Đan cũng có trách nhiệm trong vụ lừa đảo xuyên quốc gia. Ảnh: Strait Times.

Trên thực tế, The Master được chính Chân Tử Đan công bố lần đầu năm 2013, coi đây như dự án mở màn xưởng Super Hero Films. Mô tả nội dung câu chuyện cũng giống như những gì mà các nghệ sĩ hóa trang nhận được.

Khi trả lời phỏng vấn tạp chí The Hollywood Reporter, Uông Thi Thi - người quản lý và là vợ của Chân Tử Đan - cho biết dự án đã bị hủy bỏ từ lâu. Ngay cả Super Hero Films hiện cũng không còn hoạt động.

Bà xã của Chân Tử Đan bày tỏ sự thất vọng khi tên tuổi chồng mình bị đem ra làm bình phong cho vụ lừa đảo. Cô cũng mới yêu cầu trang IMDb gỡ bỏ toàn bộ thông tin liên quan tới dự án The Master.

Người ta đến giờ vẫn chưa thể biết Lý Doãn Triệu hay Leslie là ai. Nhưng thông qua những e-mail mà nhóm nạn nhân nhận được, nhà chức trách cho rằng đây là một người nắm rất rõ ngành công nghiệp điện ảnh, cũng như cách thức mà các đoàn làm phim quốc tế làm việc.

Jonathan Weissler, một nhà sản xuất người Anh từng có kinh nghiệm làm việc tại Hong Kong và Trung Quốc, đem đến một góc nhìn khác. “Người châu Á luôn tìm cách giữ thể diện cho bản thân. Có lẽ bởi vậy mà các ngôi sao không lập tức gỡ bỏ thông tin về dự án đã bị hủy bỏ.

Như ở trường hợp này, đó là Chân Tử Đan với The Master. Cái tên của anh ấy đã gắn liền cùng dự án đủ lâu để khiến những người tốt tin rằng nó rốt cuộc sẽ xảy ra. Còn kẻ xấu thì quá tinh ranh và đã lợi dụng điều đó”, ông nói.

Tác giả bài viết: Việt Phương (tổng hợp)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok