Kinh tế

"Té ghế" với những loại cây có "giá trên mây" trăm tỷ đồng ở Việt Nam

Không dừng ở những thú chơi độc, lạ có thể lý giải bằng sự quý hiếm hoặc ngoại lai, gần đây những thú chơi bình dân đã được thổi phồng lên đến giá trị tiền tỷ, chục tỷ thậm chí trăm tỷ đồng.

Trào lưu trồng cây sanh tiền tỷ rồi vỡ mộng

Sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam trong vài thập niên qua không thiếu những loại có giá tiền trăm triệu đến cả tỷ đồng. Năm 2010, thú chơi cây sanh cổ, bonsai được du nhập vào Việt Nam và được thổi lên thành "sóng", "bão giá" cây sanh.

Cơn sốt cây sanh bonsai từ năm 2010 qua đi, rất nhiều nhà vườn phía Bắc vỡ mộng, ôm nợ trong cay đắng (Ảnh minh họa: Báo Đất Việt).

Những gốc cây tiền trăm, tiền tỷ thậm chí hàng chục tỷ đồng được đưa ra khiến thị trường chuyển nhượng các chậu sanh bonsai cực kỳ nóng, hấp dẫn. Những người chơi cây cảnh, trồng cây cảnh ở Hưng Yên, Hà Tây (sau này là Hà Nội), Hải Phòng, Nam Định đổ xô mua bán qua tay những cây sanh quý với giá cao gấp nhiều lần so với bình thường.

Trào lưu nhân giống, trồng cây sanh cũng được nhiều nhà vườn thực hiện, đẩy giá cây con lên cao vút. Tuy nhiên, "sóng" cây sanh chỉ được một thời gian rồi lụi tàn, nhiều nhà vườn bỏ số tiền lớn vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng ngán ngẩm vì không có khách mua. Hết sóng, cơn bão sanh đi qua, nhiều nhà vườn thua lỗ, ngán ngẩm vì trào lưu giá ảo.

Bão mạng với lan đột biến chục tỷ, trăm tỷ đồng

Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dân mạng rần rần chia sẻ những thương vụ giao dịch lan đột biến với rất nhiều tên gọi mỹ miều có giá hàng chục đến trăm tỷ đồng. Các loại lan var Ngọc Sơn Cước, Hồng Yên Thủy, Bảo Duy đều được cho là có giá từ vài chục, đến vài trăm tỷ đồng.

1 cây lan var Ngọc Sơn Cước được các đối tượng trưng giá giao dịch 250 tỷ đồng. Nhưng ngay sau khi bị cơ quan chức năng vào cuộc, người giao dịch giải thích là giá giao dịch của 5.000 cây con (Ảnh cắt từ clip).

Năm 2020, tại các địa phương của Hòa Bình, Phú Thọ đã xuất hiện clip, hình ảnh thương vụ giao dịch lan đột biến hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, các vụ mua bán lan đều không có thực.

Đầu năm 2021, thương vụ mua bán lan đột biến với tên Bảo Duy được một số người đưa lên mạng, in phông bạt, ghi hình hoành tráng, số tiền giao dịch gần 19 tỷ đồng.

Ngay sau đó, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nam khẳng định, 99% thương vụ mua bán hoa lan là giả, câu like, tương tác nhau để bán các loại lan đột biến qua mạng.

Không dừng lại ở đó, chỉ vài ngày sau, tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, thương vụ mua bán lan đột biến với số tiền lớn nhất từ trước đến nay gần 300 tỷ đồng, trong đó một thương vụ 250 tỷ đồng cho một giò lan.

Nhóm giao dịch in phông bạt, đưa lên facebook, các fanpage người chơi lan để chụp ảnh, bàn luận buổi giao dịch trăm tỷ gây rúng động vùng đất Quảng Ninh và cả nước.

Tuy nhiên, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, người tham gia mua, bán các loại lan đột biến với số tiền hàng trăm tỷ đồng kể trên lý giải: Số tiền 250 tỷ đồng để giao dịch hơn 5.000 cây lan giống quý hiếm.

Thực tế, theo đại diện Tổng cục Thuế, lợi dụng các chính sách pháp luật về thuế còn chưa đầy đủ, chưa ràng buộc trách nhiệm pháp lý rõ ràng, nên gần đây rất nhiều hiện tượng mạng mua bán cây, con có giá sốc đến chục tỷ, trăm tỷ đồng. Đơn vị này cảnh báo những thông tin về giao dịch đều không có cơ sở pháp lý, không hóa đơn chứng từ và không có sự tham gia của chính quyền nên đều chưa có cơ sở để xử lý và cảnh báo rủi ro.

Trường hợp lan đột biến tăng giá bất thường, cộng với nhiều nhóm hội chơi lan được lập ra để chào hàng các giống lan quý ra thị trường có thể tương tự như trào lưu trồng sanh bonsai, sanh cổ trước kia.

Lá trầu bà "ngoại" nhập... giá trăm triệu đồng

Theo đó, một số người chơi cây cảnh ngoại tại TP.HCM vừa cho biết sở hữu cây trầu bà có tên Monstera (với đặc điểm nhận dạng lá bị xẻ, màu xanh, kết hợp trắng đục). Đáng chú ý, mỗi lá của loại trầu bà này được chủ sở hữu cho là có giá từ 15 triệu đồng, 50 triệu đồng, 150 triệu đồng, thậm chí những dòng đặc biệt như Monstera mint dạng thân bò, mỗi lá có giá từ 350 đến 500 triệu đồng/chiếc.

Trầu bà ngoại giá trăm triệu đồng được đồn thổi trên mạng (Ảnh minh họa Vietnamnet).

Theo giải thích người chơi giống cây ngoại nhập độc, lạ này là các loại cây quý nói trên rất hiếm trong tự nhiên và vô cùng đắt đỏ. Muốn mua cây này tại nước ngoài về phải qua thủ tục phức tạp, cộng thêm với quy trình chăm sóc cực kỳ khó khăn nên mới có mức giá như vậy.

Thực tế, thoạt nhìn, những chiếc cây trầu bà lá khuyến, có sọc xanh trắng nhìn cũng khác lạ, song không quá đặc biệt hoặc toát lên vẻ đẹp rực rỡ tương xứng với mức giá chục triệu, hoặc tiền trăm triệu như đồn thổi.

Hiện, nhiều người cũng chưa thể lý giải công thức vì sao những mẫu cây này được định giá cao ngất như vậy. Nhiều người nghi ngờ đây chỉ là lời nói của các nhà vườn đưa ra hoặc được giới chơi cây, sưu tầm cây này dựng lên nhằm thu hút sự chú ý của dư luận.

Tác giả: An Linh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok