Theo đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt, ngày 26/12, Tổng thầu EPC - Công ty hữu hạn tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc báo cáo tới Ban về việc có đối tượng đột nhập vào công trường nhà ga Cát Linh dùng sơn vẽ lên đoàn tàu.
“Đoàn tàu này vốn được chạy về ga Cát Linh để thực hiện thi công hệ thống thiết bị. Việc đột nhập vào công trường đang thi công và vẽ lên đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông là hành vi vi phạm, có dấu hiệu phá hoại tài sản” - đại diện Ban Quản lý dự án khẳng định.
Ban này cho biết đã cử cán bộ ra kiểm tra thực tế hiện trường, đồng thời chỉ đạo Tổng thầu EPC báo cáo cụ thể sự việc nêu trên tới cơ quan chức năng. Ban cũng đã mời cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát hiện trường.
Lực lượng công an, Ban Quản lý dự án và Tổng thầu kiểm tra hiện trường ngày 26/12 (ảnh: Toàn Vũ)
Đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho hay đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Tổng thầu lập tức tăng cường công tác bảo vệ trên toàn công trường.
Cơ quan quản lý dự án Cát Linh - Hà Đông cũng có văn bản hỏa tốc gửi Công an thành phố Hà Nội và công an các quận nơi có Dự án đi qua để hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, ngăn ngừa hiện tượng phá hoại tài sản công trình làm ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án.
Ghi nhận của Dân trí tại hiện trường ga Cát Linh cho thấy, nét vẽ chằng chịt trên đầu tàu và thân tàu Cát Linh - Hà Đông là những bức vẽ graffity (kiểu vẽ tranh tường trên đường phố, thường là dùng bình sơn để phun).
Hình ảnh vẽ lên đoàn tàu này gồm các ký tự và con số, một số từ ngữ viết tắt được in bên ngoài với nhiều màu sắc sặc sỡ. Trên thân tàu có 2 dòng chữ nền trắng được viết đầy đủ bằng tiếng Anh là “Hello Viet Nam” kèm theo chữ S và dòng chữ “Paris 17”.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 868 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD.
Ga Cát Linh - nơi đoàn tàu đang đỗ và bị vẽ trộm.
Theo kế hoạch ban đầu, cuối tháng 7/2017 dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị, tháng 10/2017 Tổng thầu Trung Quốc sẽ vận hành thử nghiệm và quý II/2018 sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã phải tuyên bố “phá sản” kế hoạch vận hành thử nghiệm toàn hệ thống vì tiến độ dự án không đáp ứng được yêu cầu. Phía Tổng thầu Trung Quốc cũng đề xuất lùi dự án sẽ chậm thêm khoảng 11 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí