Giáo dục

Tất tần tật mẹo ôn tập "nước rút" khối C thi THPT quốc gia

Gần một tháng trước kỳ thi THPT Quốc gia là thời điểm hệ thống lại kiến thức hoặc điểm lại một số kỹ năng làm đề. Với khối C, do liên quan đến tính mở của đề thi nên sĩ tử không nên bỏ qua những mẹo quan trọng dưới đây, để có một bài thi với kết quả tốt nhất.

Sử dụng sơ đồ tư duy (mind map)

Thay vì học thuộc như một cái máy, bạn hãy tự tìm cho mình những câu chuyện lí thú trong bài học như một giai thoại lịch sử, liên hệ thực tế, ý nghĩa tác phẩm văn học. Và chú ý tách bạch giữa phần nội dung quan trọng nhất với phần ý phụ để ghi nhớ hiệu quả hơn.


Khi đã gạch ra được các ý chính, bạn hãy thử dành một chút thời gian để suy luận, tư duy logic rồi tiếp tục vẽ tiếp các nhánh phụ khác. Có thể bạn sẽ không tránh khỏi một số sai sót ở lúc đầu, và sơ đồ rơi vào tình trạng “quá tải” nhưng chỉ sau vài lần sửa chữa, bạn sẽ thấy việc lưu trữ bài học đơn giản hơn rất nhiều so với việc cặm cụi học thuộc cả một cuốn sách dày cộp.

Nguyễn Vũ Nguyên An – nữ thủ khoa khối C trường ĐH KHXH&NV năm 2017, “bật mí” rằng khi gần thi, em sẽ hệ thống kiến thức lại bằng sơ đồ tư duy, từ từ phát triển ý ra chứ không học "vẹt" như nhiều bạn học sinh đang áp dụng cho mình khi học văn.

Sơ đồ tư duy các môn khối C là điều cần thiết ôn tập trong giai đoạn nước rút này. Ảnh minh họa

“Học vẹt sẽ rất nhanh quên, khi hệ thống lại mình sẽ hiểu và lâu quên hơn. Lúc ôn thi phòng mình kín giấy, một tác phẩm mình vẽ đi vẽ lại từ 1 đến 3 lần và đọc nhiều sách tham khảo hoặc tài liệu của các thầy cô uy tín trên mạng, từ đó rút ra cách viết cho riêng mình” - An chia sẻ.

Với môn Lịch sử, sử là các giai đoạn khác nhau nên cô học theo từng giai đoạn, nắm ý chính của từng giai đoạn và không bỏ bất kỳ một giai đoạn nào vì các giai đoạn thường móc nối với nhau. Theo An, sơ đồ tư duy trong học sử rất quan trọng, để hệ thống kiến thức thành một dòng chảy theo tiến trình phát triển của lịch sử. Kết hợp lịch sử với địa lý để tái hiện và hình dung rõ ràng hơn về các chiến dịch, trận đánh.

“Các bạn nên lập bảng biểu với thời gian, nội dung, kết quả, ý nghĩa và các trận đánh vào một nhóm, các hội nghị vào một nhóm. Trước khi thi các bạn thường có tâm lý căng thẳng khiến kiến thức bị loãng ra, nhìn vào các bảng đó mình sẽ hệ thống được toàn bộ kiến thức của mình” – An cho hay.

Tận dụng Atlat địa lý Việt Nam

Thật không ngoa khi nói rằng “Atlat là cuốn từ điển của môn địa lý” khi bạn có thể dễ dàng tìm thấy hầu hết các câu trả lời từ cuốn sách đặc biệt này.

Chẳng hạn, với các câu hỏi: “Cho biết tỉnh nào sau đây giáp với Trung Quốc?”, “Cho biết Sapa thuộc vùng khí hậu nào dưới đây” hay “Cho biết hệ thống sông nào sau đây có tỉ lệ diện tích lưu vực lớn nhất nước ta?”...Các bạn sĩ tử đều có thể khoanh vùng đáp áp chính xác bằng cách so sánh trên Atlat.

Chưa kể, đối với dạng đề tự luận như trước đây, các thí sinh có thể tìm thấy vô vàn các ví dụ về giống cây, khu công nghiệp, tên các quốc gia,...bằng cách tận dụng “cuốn từ điển” này. Vì vậy, trong những ngày nước rút này, hãy nghiên cứu thật kỹ về cuốn Atlat này nếu muốn tìm kiếm thêm điểm cho môn Địa lý, không nên bỏ sót chi tiết nào từ cuốn tư liệu này.

Cập nhật các vấn đề thời sự - xã hội “nóng”

Đây là điều mà thí sinh cần hết sức lưu tâm, bởi những năm gần đây, đề thi Ngữ văn, thậm chí Địa lý hay cả Lịch sử đều có nhiều liên hệ gần gũi với thực tế, gắn với các sự kiện, nhân vật mang tính thời sự, để qua đó thể hiện ý tưởng ra đề.

Thí sinh cần nắm một số vấn đề thời sự để phục vụ cho đề thi mở các môn khối C. Ảnh minh họa

Phương pháp này thích hợp với môn Ngữ văn ở dạng câu nghị luận xã hội. Bởi thông thường, đề nghị luận xã hội sẽ theo sát các sự kiện, vấn đề nổi bật trong xã hội ở thời điểm hiện tại và trước đó.

Với những vấn đề “nóng” như thế này, bạn hoàn toàn có thể tận dụng đưa vào dẫn chứng trong bài viết của mình một cách thích hợp nhất để thêm hấp dẫn và thu hút người đọc. Đặc biệt, ở cuối bài viết, bạn đừng quên rút ra bài học cho bản thân.

Liên quan đến câu hỏi nghị luận văn học, thủ khoa Nguyễn Vũ Nguyên An lưu ý thêm, cá bạn nên sử dụng thao tác so sánh các tác phẩm văn học với nhau. Ví dụ: so sánh điểm giống và khác nhau của hai nhân vật trong hai tác phẩm, từ đó chứng minh nét sáng tạo của tác phẩm mình đang phân tích.

Còn trong phòng thi, theo An, viết nhanh là một lợi thế. Với 120 phút cho một bài thi ngữ văn bao gồm kiến thức lớp 11 và 12, các bạn nên phân chia thời gian hợp lý cho ba câu. Đầu tư nhiều nhất vào câu nghị luận văn học, ngoài các ý chính thì cần có thêm sự sáng tạo mới mẻ.

“Riêng nghị luận xã hội phải viết đúng trọng tâm đề yêu cầu, ngắn gọn, không nên tán quá lan man. Chữ viết và chính tả cũng rất quan trọng, cho dù bạn viết một bài văn hay nhưng người chấm không đọc được hoặc khó chịu vì sai chính tả thì bạn cũng sẽ khó đạt điểm khá” – Nguyên An chia sẻ.

Tác giả: Phúc Nguyên

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok