Tát cảnh sát giao thông bị phạt 2,5 triệu đồng: Có đủ tính răn đe? Tài xế tát CGST ở Thanh Hóa chỉ bị xử phạt 2,5 triệu đồng. Ảnh cắt từ clip, nguồn: Internet. |
Thông tin từ Công an huyện Quảng Xương, tài xế Trần Lâm B. (51 tuổi, trú tại Hà Nội) vừa bị xử phạt 2,5 triệu đồng về hành vi xâm hại sức khỏe người khác.
Sau khi thông tin này phát đi đã nhận được rất nhiều ý kiến “bất bình” của dư luận. “Tài xế này có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi lái xe, lại còn tát người thi hành công vụ mà chỉ bị phạt 2,5 triệu, không thể tin được”, anh Tuệ, một người dân Quảng Xương nói.
Nhiều người cho rằng, thời gian gần đây xảy ra rất nhiều các vụ việc CSGT bị tấn công khi đang thực thi nhiệm vụ. Việc xử lý của các cơ quan chức năng không đến nghiêm sẽ khiến các vụ việc trên gia tăng.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, người tham gia giao thông có những hành vi như có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các chiến sĩ CSGT đang thi hành công vụ thì tùy theo mức độ của hành vi mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ.
Về xử phạt hành chính, hành vi trên được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định 167 của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội có quy định phạt tiền từ 2 triệu - 3 triệu đồng. Trường hợp người tham gia giao thông có hành vi chống người thi hành công vụ thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 257, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
“Trong sự việc trên, việc tài xế dùng tay tát CSGT là điều khó có thể chấp nhận được. Hơn nữa, lúc này trong hơi thở tài xế trên có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép”, luật sư Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng dẫn chứng, cách đây 8 năm, một thiếu nữ tát CSGT đang thi hành công vụ tại TP HCM cũng khiến dư luận bất bình. Sau đó, thiếu nữ này đã bị Tòa án nhân dân quận 12 xét xử lưu động và nhận mức án 9 tháng tù vì hành vi chống người thi hành công vụ.
Luật sư khẳng định: “Việc có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tài xế xe biển xanh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu hành vi uống rượu, bia, tát CSGT mà chỉ bị xử phạt 2,5 triệu đồng sẽ không đủ tính răn đe. Liệu với mức xử lý như vậy có khiến nhờn luật và lực lượng CSGT sẽ tiếp tục bị tấn công?”.
Theo báo cáo của Cục CSGT, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 11 vụ chống lại CSGT làm 1 đồng chí hi sinh, 3 đồng chí bị thương. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 14 đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ.
Tính từ năm 2017 đến nay, cả nước đã xảy ra 107 vụ chống người thi hành công vụ, chống đối CSGT làm 4 chiến sĩ hy sinh, 26 chiến sĩ bị thương, trong đó có nhiều cán bộ bị thương rất nặng và vẫn đang trong quá trình điều trị.
Trước đó, khoảng 3h20 ngày 17/8, Tổ Công tác của Đội CSGT Công an huyện Quảng Xương có mặt tại cây xăng xã Quảng Lĩnh để hoàn thiện biên bản sau khi xử lý hiện trường một vụ việc tai nạn ở gần đó.
Lúc này, ông B. điều khiển ôtô biển xanh vào đổ xăng trong tình trạng say xỉn. Ông này đi vệ sinh không đúng chỗ nên bị nhân viên cây xăng nhắc nhở. Thấy vậy, cán bộ Đội CSGT Quảng Xương can thiệp thì bị người này tát 2 cái vào mặt. Qua kiểm tra, tài xế B. có nồng độ cồn 0,433 mg/lít khí thở vượt ngưỡng cho phép.
Tác giả: Thanh Thanh
Nguồn tin: Báo Thanh tra