Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp, huyện Tĩnh Gia.
Theo báo cáo của UBND huyện Tĩnh Gia: Dự án Cảng container Long Sơn được triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) giai đoạn 1 từ tháng 10–2016 với 150 hộ dân của xã Hải Hà bị ảnh hưởng nhà và đất ở. Hội đồng bồi thường GPMB của huyện đã bàn giao cho chủ đầu tư là Công ty TNHH Long Sơn 68,5 ha mặt nước biển và 7,5 ha đất bãi cát để thực hiện thi công các bến số 2 và 3. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi công, các hộ dân ra cản trở nên chủ đầu tư đã dừng triển khai. Sau nhiều hội nghị và quá trình vận động nhân dân, Ban Quản lý KKTNS và Các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tham mưu điều chỉnh nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại các bến số 3 và 4.
Theo nội dung điều chỉnh thì bờ biển của xã Hải Hà còn lại 750/1.300m chiều dài bờ biển hiện tại để phục vụ sinh hoạt, khai thác hải sản cho nhân dân địa phương. Theo đánh giá của huyện Tĩnh Gia, việc hình thành các bến số 3 và 4 sẽ tạo thành một đê chắn sóng, chắn gió cho nhân dân trong xã; phần diện tích mặt biển chưa đầu tư sẽ hình thành một âu neo đậu tàu thuyền lớn với diện tích khoảng 8 đến 10 ha. Việc xây dựng các bến số 3 và 4 được coi là phương án tối ưu nhất, hài hòa nhất giữa việc phát triển kinh tế của tỉnh và yêu cầu khai thác và phát triển nghề biển của nhân dân xã Hải Hà. Các cấp chính quyền địa phương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các cơ quan chức năng liên quan đã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa đồng thuận, phản đối chủ đầu tư do lo ngại bị ảnh hưởng nghề biển truyền thống.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng ghi nhận sự vào cuộc khá quyết liệt của huyện Tĩnh Gia, các ngành chức năng trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc của dự án. Tỉnh cũng đã tổ chức đối thoại lắng nghe ý kiến của người dân địa phương, cho dừng xây dựng bến số 1 và 2 theo nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại cần rút kinh nghiệm trong việc tháo gỡ những vướng mắc cho dự án, như: Việc triển khai nhiệm vụ giữa các ngành, các cấp chưa thực sự đồng bộ, trách nhiệm chưa cao; công tác tham mưu xây dựng bến neo đậu tàu thuyền mới cho ngư dân địa phương chưa hoàn toàn phù hợp; việc tuyên truyền, vận động nhân dân chưa có sự thống nhất...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng khẳng định: Không thể không thi công Dự án Cảng container Long Sơn vì một số ý kiến trái chiều, bởi đây là vấn đề thu hút đầu tư của tỉnh, là tương lai của tỉnh và KKTNS. Cảng nước sâu Nghi Sơn cần phải có bến container, điều này đã được Chính phủ, Bộ Giao thông – Vận tải xem xét, đưa vào quy hoạch. Việc xây dựng cảng không ảnh hưởng nhiều đến việc khai thác hải sản và mưu sinh của nhân dân; biển là tài sản quốc gia, không nên hiểu vấn đề như một số đối tượng đang tuyên truyền sai sự thật.
Theo đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, sẽ chuẩn bị các điều kiện để chủ đầu tư tiếp tục thi công dự án trước ngày 20 – 3. Đồng chí yêu cầu Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, có giải pháp xử lý nghiêm những đối tượng lôi kéo, kích động nhân dân, dọa ném chất bẩn vào nhà những hộ ủng hộ thi công dự án... Ban Quản lý KKTNS và Các khu công nghiệp tỉnh phải triển khai ngay việc nâng cấp một số công trình hạ tầng ở khu tái định cư cho nhân dân Hải Hà đã tái định cư trước đó. Với huyện Tĩnh Gia, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh những căn cứ pháp lý triển khai dự án, quy mô dự án, vùng ảnh hưởng, lợi ích của dự án... Trong quá trình tuyên truyền, vận động, phải huy động được các đoàn thể cấp xã vào cuộc, phát huy vai trò của hệ thống truyền thanh xã.
Huyện Tĩnh Gia cũng phải nhanh chóng, chủ động bố trí khu neo đậu tàu thuyền mới cho ngư dân trên cơ sở xác định rõ vị trí, ra văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 28–2; làm việc với xã Hải Hà và các hộ làm nghề khai thác hải sản để nắm chính xác mức độ bị ảnh hưởng của một số chủng nghề, đồng thời đề xuất phương án bồi thường cho phù hợp với điều kiện thực tế. Về công tác lãnh, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho dự án, huyện cần liên tục giao ban để nắm bắt kịp thời những phát sinh, vướng mắc, có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Với những đề xuất của huyện Tĩnh Gia, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện có văn bản đề xuất riêng cho một số vấn đề bức thiết để tỉnh giao các ngành chức năng sớm vào cuộc xử lý.
Tác giả: Lê Đồng
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử