Nhân kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Thủ đô, UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) đã tổ chức “Ngày hội văn hóa làng cốm Mễ Trì 2015”. Sự kiện có nhiều hoạt động như tái hiện khung cảnh chợ cốm Mễ Trì, thi làm cốm theo truyền thống...
Các sản phẩm chế biến từ cốm như chè cốm, xôi cốm, chả cốm, rược cốm... đều được bày bán cho du khách ngay tại cửa của từng ngôi nhà trong làng. Ngoài ra, điểm nhấn của lễ hội là việc thi làm cốm theo truyền thống thu hút hàng ngàn người dân đến tham quan. Qua đó giúp người dân địa phương càng gắn bó thêm với nghề truyền thống của cha ông để lại và góp phần quảng bá đặc sản này tới đông đảo người dân Thủ đô.
Diễn ra tại khuôn viên đình làng, ngày hội tái hiện không gian văn hóa làng cốm Mễ Trì với hội chợ ẩm thực, triển lãm cốm, các công đoạn làm cốm Mễ Trì, chợ cốm đêm duy nhất tại Hà Nội. “Ngày hội văn hóa làng cốm Mễ Trì 2015” phần nào lấy lại niềm tin về những món ăn ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm cho những người yêu mến ẩm thực Hà thành |
Các món ăn cổ truyền của làng cốm Mễ Trì như cốm tươi, cốm khô, cốm xào, xôi cốm, bánh cốm, chè cốm, bánh chay cốm, chả cốm hay các món ăn hiện đại như gà chiên cốm... cùng góp mặt khiến hội chợ ẩm thực thêm phong phú. |
Điểm nhấn của lễ hội là việc thi làm cốm theo truyền thống. Người xem có thể quan sát được toàn bộ các công đoạn để có thể cho ra đời một mẻ cốm ngon theo đúng phương thức cổ truyền. |
Có rất nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như lúa lương phượng, lúa nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa, nhưng lúa nếp cái hoa vàng cho ra thành phẩm thơm ngon đặc biệt. Để làm cốm, đầu tiên, người nghệ nhân phải dùng dao tách lấy hạt lúa. |
Sau đó phải sàng sẩy để lựa lấy những bông lúa non mới đủ tiêu chuẩn để làm cốm ngon. |
Phần cây lúa sẽ được phơi khô để dành làm chổi rơm. |
Các nghệ nhân lớn tuổi trong làng kiểm tra chất lượng của lúa sau khi qua sàng sẩy. |
Nếu đã đạt đủ độ sạch, hạt lúa được cho lên bếp rang. Quá trình rang phải luôn đảo đều thóc trong khoảng 30 phút. Lò rang cốm phải đắp bằng xỉ than và đun bằng củi và chảo rang bằng gang đúc để đảm bảo khi rang thóc sẽ chín đều. |
Nghệ nhân nhận biết thóc chín bằng cách đặt 5 hạt lên miếng gỗ, dùng ngón tay miết mạnh, nếu thấy hạt "2 quằn 3 róc", tức 2 hạt chưa róc vỏ nhưng bị quằn lại, còn 3 hạt còn lại róc vỏ nhưng không bị quằn là được |
Thóc rang xong đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã. Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng, trung bình khoảng 7 lần giã là hoàn tất. |
Tác giả bài viết: Minh Minh