Theo Reuters, các hoạt động kinh doanh chính của ZTE đã ngừng sau khi Lệnh cấm của chính phủ Hoa Kỳ được áp dụng.
"Do kết quả của việc từ chối đơn hàng, các hoạt động chính của công ty đã dừng lại," ZTE cho biết vào cuối ngày thứ Tư, 9/5 vừa qua.
“Hiện tại, công ty vẫn duy trì đủ tiền mặt và tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ thương mại của mình theo luật pháp và các quy định”, ZTE cho biết.
ZTE đang lâm vào khủng hoảng sau lệnh cấm của Hoa Kỳ |
Ở thời điểm hiện tại, ZTE đã tắt trang web trực tuyến của mình cũng như gỡ danh sách sản phẩm khỏi các nhà bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc như nền tảng Taobao của Alibaba với thông báo "trang đang được cập nhật".
ZTE bị một lệnh cấm hồi tháng trước từ Washington. Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành lệnh cấm này do ZTE đã vi phạm các thỏa thuận và vận chuyển trái phép linh kiện từ Mỹ tới Iran vào năm ngoái.
Hành động này của Hoa Kỳ ngay lập tức được dự báo có thể sẽ là thảm hoạ đối với ZTE.
ZTE nhận những thiệt hại đầu tiên sau lệnh cấm của Mỹ |
Trong khi đó, hôm 2/5 vừa qua, Lầu Năm Góc đã ban hành lệnh cấm bán điện thoại Huawei và ZTE trong các căn cứ quân sự của Mỹ trên toàn thế giới với lý do các thiết bị của Huawei và ZTE có thể gây ra rủi ro an ninh.
Là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới cùng với Huawei, Ericsson và Nokia, ZTE dựa khá nhiều vào các công ty Mỹ như Qualcomm và Intel.
Theo các nhà phân tích, sẽ rất khó để ZTE có thể cạnh tranh ngay cả khi họ có thể tìm được các nhà cung cấp không phải từ Mỹ. Trước đó, ZTE cũng đã đệ đơn lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ để yêu cầu đình chỉ lệnh cấm vì nó có thể đe doạ đến sự tồn vong của tập đoàn này.
Huawei cũng có thể phải đối mặt với lệnh cấm của Mỹ |
Không chỉ ZTE, một tập đoàn công nghệ khác là Huawei có trụ sở tại Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với lệnh cấm nhận hàng xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, Huawei có một số lợi thế so với ZTE do đã phát triển hệ điều hành riêng trong nhiều năm và tự sản xuất chipset Kirin.
Tác giả: Hải Nguyên
Nguồn tin: Báo VietNamNet