Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên vừa công bố nghị quyết họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 diễn ra hôm 19/1 vừa qua. Trong đó, nội dung đáng chú ý của phiên họp này đó là ĐHĐCĐ Du lịch Kim Liên đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ mức hiện là 69,57 tỷ đồng lên 2.786 tỷ đồng, tương ứng tăng vốn gấp 40 lần.
Khách sạn Kim Liên toạ lạc trên "đất vàng" số 5-7 Đào Duy Anh đã được bầu Thuỵ thâu tóm vào cuối năm 2015 |
Tại phiên họp này, ông Vũ Ngọc Định - Tổng Giám đốc Du lịch Kim Liên cho biết, quy định hiện hành (Nghị định số 43 năm 2014 của Chính phủ) yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự án để đảm bảo về năng lực tài chính.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Du lịch Kim Liên theo báo cáo tài chính 6 tháng năm 2019 là 71,4 tỷ đồng.
Theo kết quả nghiên cứu thị trường, tư vấn ý tưởng phát triển và nghiên cứu khả thi Dự án Kim Liên của Công ty TNHH Savills Việt Nam thì tổng chi phí cho việc thực hiện dự án này dự kiến khoảng 615,8 triệu USD, khoảng 14.287,1 tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông của Du lịch Kim Liên đã đồng ý giao Hội đồng quản trị (HĐQT) tìm kiếm đơn vị tư vấn để xây dựng phương án tăng vốn điều lệ, giải trình phương án sử dụng vốn, xây dựng phương án chào bán cổ phiếu theo các hình thức đã được pháp luật quy định. Sau khi thực hiện phương án tăng vốn, Hội đồng quản trị có trách nhiệm báo cáo Đại hội đồng cổ đông trong phiên họp gần nhất.
Trước phương án được Ban Tổng giám đốc trình bày, đại diện cổ đông Tài chính Bưu điện đã yêu cầu cung cấp thêm thông tin về dự án (nội dung, quy mô, tổng mức đầu tư của dự án) để cổ đông xem xét quyết định. Cổ đông này cho rằng, những tài liệu cung cấp cho cổ đông tại kỳ họp lần này không đủ cơ sở để cổ đông xem xét, biểu quyết các nội dung tại đại hội. Theo đó, việc tăng vốn dựa trên nghiên cứu, khảo sát của đơn vị tư vấn (Savills Việt Nam) là không có căn cứ, cơ sở.
Đại diện của Tài chính Bưu điện cũng cho rằng, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 đã uỷ quyền cho Chủ tịch HĐQT tìm kiếm đối tác để hợp tác đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để triển khai thực hiện dự án nhưng đến nay, các cổ đông của Du lịch Kim Liên vẫn chưa thấy có báo cáo về việc triển khai dự án.
“Đề nghị HĐQT, Đoàn Chủ tịch cung cấp thông tin, báo cáo ĐHĐCĐ và cho biết từ năm 2016 đến nay, công ty đã làm gì? đã tìm kiếm đối tác ra sao? đã làm những công việc cụ thể gì tìm kiếm đối tác đầu tư, nhà đầu tư chiến lược” - vị này phát biểu.
Phía Tài chính Bưu điện còn yêu cầu được cung cấp các thông tin về định hướng công việc sẽ triển khai, các bên liên quan (tức ThaiGroup) sẽ tham gia vào công việc gì, có đóng góp và mang lại lợi ích gì cho cổ đông.
Ông Nguyễn Đức Thuỵ hiện là Chủ tịch Du lịch Kim Liên và Thaigroup là công ty mẹ của doanh nghiệp này |
Tại phiên họp vừa rồi, một cổ đông khác là GP Bank cũng có chung ý kiến với Tài chính Bưu Điện, đặc biệt về vấn đề tăng vốn, cho rằng các cơ sở cho việc tăng vốn, các thông tin của dự án đều còn chung chung, không đủ dữ liệu để thảo luận và cho ý kiến.
Mặc dù vậy, kết thúc phiên họp này, ĐHĐCĐ Du lịch Kim Liên vẫn thông qua tờ trình phê duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ.
Theo thông tin mà ông Vũ Ngọc Định công bố tại phiên họp, Dự án Khu phức hợp Kim Liên tại khu đất vàng số 5-7 Đào Duy Anh (Đống Đa, Hà Nội) dự kiến xây dựng 8 block, gồm có các khu trung tâm thương mại, dịch vụ và shophouse. Lợi thế của dự án này là toạ lạc trên khu đất rộng và ở vị trí đắc địa của TP Hà Nội.
Phía Du lịch Kim Liên đã mời đơn vị tư vấn nước ngoài để thực hiện khảo sát và tư vấn triển khai dự án. Công ty này cũng đã ký kết một số hợp đồng đối với một số đối tác như Tân Hoàng Minh, nhà thầu Delta để triển khai thực hiện. Lãnh đạo Du lịch Kim Liên cho biết HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên thông qua dự án này vào kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.
Sau khi Thaigroup của đại gia Nguyễn Đức Thuỵ chi 1.000 tỷ đồng để thâu tóm Du lịch Kim Liên vào cuối năm 2015, đến nay, Thaigroup vẫn là công ty mẹ của Du lịch Kim Liên và ông Nguyễn Đức Thuỵ là Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân Trí