Buổi Công bố kết quả Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần 2 và ra mắt Sách Trắng được tổ chức vào chiều qua (28/12). (Ảnh: Hồng Vân) |
Cụ thể, Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Đây là mức tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra và cũng vượt mọi dự báo, ước tính trước đó của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, cũng như của Chính phủ Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Trần Anh Vương cho biết, ông đồng tình với ý kiến của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam rằng GDP nước ta năm nay tăng cao là nhờ khu vực kinh tế tư nhân là chính.
Giải thích về điều này, ông Vương cho biết: “Vốn giải ngân của Nhà nước năm 2017 không đạt chỉ tiêu, không giải ngân hết nên đầu tư Nhà nước bị hụt. Tuy nhiên GDP lại tăng trưởng mạnh, xuất nhập khẩu lên đến 400 tỷ USD, nên điều này chắc chắn đến từ kinh tế tư nhân”.
Do đó, ông Vương nhận định đây cũng là điều ấn tượng nhất của khu vực kinh tế tư nhân trong năm qua.
Đáng nói, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, trong năm qua, kinh tế tư nhân đã đóng góp 42,9% tỷ trọng nền kinh tế, tăng thêm 4% so với năm ngoái.
“Các DN tư nhân mong muốn trong thời gian tới sẽ đóng góp cao hơn cho nền kinh tế. Cụ thể, năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 đạt 55% và đến năm 2030 chiếm 60-65%”, ông Long nêu rõ.
Bên cạnh đó, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký VPSF II nhận định: “Đây cũng là điều mà Thủ tướng mong muốn, vì vậy phải có giải pháp đồng bộ, VPSF cũng đã và đang đóng góp tích cực cho những quyết sách của Chính phủ để đạt được mục tiêu này”.
Ngoài ra, ông Vương cho rằng, đối với kinh tế tư nhân Việt Nam, VPSF đã tạo tâm thế chưa từng có cho doanh nhân và khối kinh tế tư nhân Việt Nam.
“Đặc biệt, đối với thành công của diễn đàn trong 2 năm qua thì trong những năm tới, kinh tế tư nhân sẽ còn phát triển hơn nữa”, ông Vương nói.
Thêm nữa, ông Vương tiết lộ rằng, trong năm 2018 tới đây, VPSF III sẽ có những sáng tạo và thay đổi nhằm mang đến cho DN tham gia những trải nghiệm mới.
Cụ thể, 3 chuyên đề ngành được lựa chọn đối thoại tại Diễn đàn có thể là chuyên đề Nhân lực và đào tạo; chuyên đề Hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại.
Tuy nhiên, ông Vương cho biết, với chuyên đề ngành 3, tổ thành viên VPSF đang mong muốn nhưng cũng chưa dứt khoát lắm vì đó là Kinh tế truyền thông.
“Chúng tôi muốn nhìn nhận truyền thông như một ngành kinh tế dưới góc độ kinh tế tư nhân bởi từ lâu rồi ai cũng có thể thấy rằng, chỉ một bài báo hay một cái tít cũng có thể làm cả thị trường biến động bất ngờ”, ông Vương cho hay.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng cho biết thêm, những chuyên đề ngành như Nông nghiệp, Kinh tế số, hay Logistic,... vẫn được duy trì thảo luận trong VPSF 2018.
Tác giả: Hồng Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí