Kinh tế

Tăng trần giá vé máy bay từ 1/3, Tổng giám đốc Vietnam Airlines nói 2 điểm chú ý

Theo báo Dân trí, từ ngày 1/3, Thông tư 34 của Bộ Giao thông Vận tải sẽ chính thức có hiệu lực, điều này đồng nghĩa với việc mức trần giá vé máy bay nội địa tăng.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines ông Lê Hồng Hà dự báo mặt bằng giá vé năm nay sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2023. Ảnh: Thanh niên

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ thông tin bên lề Hội nghị Hàng không Quốc tế (IAS) diễn ra sáng 28/2, Việt Nam hiện là một trong số ít quốc gia trên thế giới còn kiểm soát giá trần và giá sàn vé máy bay. Trong tương lai, hàng không Việt Nam hướng đến thị trường cởi mở, giá vé do thị trường điều tiết.

Thực tế, khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa hiện tại đã được áp dụng từ năm 2015, tức cách đây gần 10 năm. Ông Hà cho rằng các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá đã thay đổi rất nhiều, không còn phù hợp với khung giá hiện tại.

"Đây là điều kiện cho các hãng hàng không bù đắp chi phí bị điều chỉnh trong suốt gần 10 năm qua, đồng thời là cơ hội để các hãng tiếp tục điều chỉnh dải giá của mình trên mảng đường bay nội địa", ông nói.

Khi được nới lên mức giá trần, đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng sẽ tiếp tục đầu tư cho chất lượng dịch vụ ở phân khúc giá có khả năng chi trả cao. Đây cũng là cơ hội để các hãng kéo mức giá xuống thấp hơn để phục vụ nhu cầu của hành khách hoặc vào những giai đoạn thấp điểm của thị trường sẽ có nhiều chương trình khuyến mại hơn.

Bên cạnh đó, ông khẳng định việc nới trần giá vé máy bay nội địa nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các hãng hàng không, hành khách và những chính sách chung của Nhà nước.

Về mặt bằng giá vé máy bay trong năm nay, theo báo Thanh niên, ông Hànói, điều này còn “phụ thuộc vào cung cầu thị trường”, rất khó đánh giá, nhất là các nhịp thay đổi của thị trường nội địa vừa qua.

Ông Hà dẫn chứng, dịp tết Nguyên đán năm 2024, thị trường vận tải hàng không nội địa so với cùng kỳ tết 2023 giảm 13%; dù so với tết năm 2019 - 2020 thì tăng trưởng. Diễn biến thị trường, nhu cầu hành khách và khả năng cung ứng tải do nhiều máy bay phải đưa vào bảo dưỡng sẽ tác động đến giá vé.

“Theo đánh giá, mức giá vé của năm 2024 sẽ tương đương với 2023 và chưa có sự thay đổi lớn”, ông Hà nói.

Giá vé máy bay sẽ tăng kể từ 1/3 tới. Ảnh: Vietnamnet

Trước đó, nhiều doanh nghiệp du lịch tỏ ra lo ngại khi giá trần vé máy bay tăng sẽ tác động tiêu cực tới ngành du lịch nội địa, nhất là trùng thời điểm cao điểm hè sắp tới. Trả lời câu hỏi liệu có sự chia sẻ nào với ngành du lịch giai đoạn sắp tới hay không, ông Hà cho biết ngành hàng không chỉ có 2 giai đoạn cao điểm tết và hè để bù lại cho thấp điểm.

“Cao điểm thì sẽ bán với mức giá tối ưu. Hè 2024 Vietnam Airlines và các hãng sẽ bán với mức giá tối ưu, trong đó có mức giá trần vừa nới của Cục Hàng không”, ông Hà cho hay.

Theo Thông tư 34/TT-BGTVT, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 2,2 triệu đồng/vé/chiều).

Đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 2,79 triệu đồng/vé/chiều).

Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3,4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 3,2 triệu đồng/vé/ chiều).

Đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 3,75 triệu đồng/vé/chiều).

Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Tác giả: Vân Anh (T/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok