Kinh tế

Tăng thuế môi trường xăng lên 8.000 đồng/lít: Sẽ là cú sốc ngỡ ngàng!

"3.000 đồng/lít là mức cao, chiếm khoảng 40% giá nhập khẩu hiện tại khoảng 7.000 - 8.000 đồng/lít. Nâng từ 3.000 - 8.000 đồng/lít gây sự ngỡ ngàng, người ta cảm nhận đây gần như là cú sốc”, chuyên gia Ngô Trí Long bày tỏ.

Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu lên 8.000 đồng/lít có thể sẽ là "cú sốc" gây ngỡ ngàng cho người tiêu dùng.
Cuối tuần trước, Bộ Tài chính công bố dự thảo dự kiến tăng mức thuế bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng dầu lên 3.000 - 8000 đồng so với khung thuế cũ là 1.000 - 4.000 đồng trong dự thảo mới được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường.

Cụ thể, đối với mặt hàng xăng, trừ ethanol có thể ở mức 3.000 - 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000 - 6.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500 - 4.000 đồng/lít. Mặt hàng xăng E5, E10 có thể ở khung mức thuế từ 2.700 - 7.200 đồng/lít và 2.500 - 6.800 đồng/lít…

Theo đánh giá của ban soạn thảo, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu nhằm tạo dư địa mức thuế để điều chỉnh, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, phải thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế….

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường để giảm thuế nhập khẩu là cách lý giải chưa thoả đáng. Vị chuyên gia cũng đặt vấn đề, hiện tính minh bạch trong việc sử dụng thu thuế bảo vệ môi trường vào việc bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề Bộ Tài chính cần làm rõ.

Theo ông Long, đối với những sản phẩm độc hại như xăng dầu đánh thuế là cần thiết nhưng trên thực tế nhiều nước không đánh thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này. Riêng đối với Việt Nam, mức thuế hiện tại 3.000 đồng/lít đã sát khung thuế.

"Việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái là rất cần và hiện có nhiều công cụ như quá trình đầu tư, thanh lọc dự án, thanh tra kiểm tra, chế tài xử phạt và cuối cùng là công cụ thuế hỗ trợ. Tuy nhiên, theo khung cũ 1.000 - 4.000 đồng/lít đã là khung cao, do đó, mức áp thuế hiện tại 3.000 đồng/lít sát khung thuế”, ông Long nói.

Vị chuyên gia cũng cho biết, ngay khi tăng thuế từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, nhiều đại biểu Quốc hội đã từng băn khoăn, đặt câu hỏi việc tăng thuế bảo vệ môi trường có làm giá tăng lên hay không.

“Bộ trưởng Bộ Tài chính từng nói tăng thuế không làm tăng giá xăng dầu nhưng thực tế tăng. 3.000 đồng/lít là mức cao, chiếm khoảng 40% giá nhập khẩu hiện tại khoảng 7.000 - 8.000 đồng/lít. Nâng từ 3.000 - 8.000 đồng/lít gây sự ngỡ ngàng, người ta cảm nhận đây gần như là cú sốc”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, khung thuế 1.000 - 3.000 đồng/lít, đánh con số tuyệt đối là không đúng, thường chỉ đánh số tương đối, số %, lần giống như áp dụng với thuế nhập khẩu, thuế VAT.

"Mặc dù không phải tăng lên đến 8.000 đồng/lít nhưng đây là khả năng có thể xảy ra. Dư luận chắc chắn không đồng thuận. Tôi kiến nghị giữ nguyên mức như hiện nay”, ông Long nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên đến 8.000 đồng/lít là mức nâng quá cao, làm tăng thêm chi phí vận tải, hàng hoá hành khác và chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp.

"Tôi đề nghị xem xét thận trọng việc nâng thuế lên mức 8.000 đồng. Trước đây đã là 3.000 đồng nên giờ chỉ nên tăng lên 1.000 - 2.000 đồng thôi chứ không nên tăng cao quá. Tôi hiểu Bộ Tài chính đang khó khăn trong ngân sách, đánh vào thuế bảo vệ môi trường với xăng là dễ nhất ai mua xăng là Bộ Tài chính thu ngay được tiền tươi thóc thật, nhưng tác động tới lạm phát, ảnh hưởng đến cạnh tranh hàng hoá", ông Doanh nói.

Vấn đề minh bạch cũng được ông Doanh đặt ra. Theo ông, Thủ tướng đã nói chi tiêu ngân sách sách phải công khai rõ ràng vì tiền của dân. Thuế môi trường cũng vậy, không thể thu nhưng cuối cùng không chi cho môi trường, điều này không đúng mục đích mà chúng ta nói.

"Tôi đề nghị công khai. Thuế môi trường cả người dân, doanh nghiệp cũng phải gánh chịu. Môi trường đã tới giới hạn không thể chịu đựng được rồi, cần có tổ chức bảo vệ môi trường, từ rác thải rắn…nước thải cũng phải xử lý. Doanh nghiệp phải xử lý nghiêm", ông nói thêm

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cũng cho rằng, tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ ảnh hưởng đến lạm phát trong ngắn hạn là chưa thể có. Tuy nhiên, ở góc độ sản xuất thì sức cạnh tranh của hàng hóa bị ảnh hưởng, trực tiếp từng người tiêu dùng bị thiệt.

Tác giả bài viết: Phương Dung

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok