Giáo dục

Tặng quà giáo viên: Tri ân chỉ có ý nghĩa khi không có sự gượng ép, toan tính

Cận kề ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều phụ huynh lại đau đầu chuyện… tặng quà cho giáo viên. Không ít người mang nặng tâm lý “phải tặng quà”…

Ngày 20/11, kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, không biết từ lúc nào đối với hầu hết mọi người đã trở thành ngày tặng quà cho giáo viên. Thời điểm này, nhiều phụ huynh, học sinh lại vắt óc, cân nhắc đủ đường về quà tặng cho thầy.

Chị Lê Ngọc Anh, ở Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh, TPHCM cho biết, từ tuần trước chị đã bắt đầu “dò” quà tặng cho giáo viên của hai đứa con. Chị thấy việc chọn quà không hề đơn giản với tâm lý liệu quà mình tặng cô có dùng không, có hợp với cô không rồi cô có… hài lòng không. Chị vừa tìm tòi món quà sao cho đẹp lòng cô vừa phải cân nhắc tài chính của mình.

Hai đứa con của chị, tính ra có 6 giáo viên cần tặng quà, chưa kể ở bậc mầm non ở trường tư, phụ huynh thường xuyên gặp gỡ hiệu trưởng nên thêm một phần quà nữa. “Tặng gì cho giáo viên bây giờ là chuyện các bà mẹ trao đổi với nhau rất nhiều những ngày này”, chị Anh nói.

Một giáo viên, cũng là một phụ huynh ở TPHCM chia sẻ, chị nhận được trao đổi của một phụ huynh trong lớp đề xuất về việc đóng tiền mua quà cho giáo viên mà không khỏi suy nghĩ. Mọi người đều cho rằng việc tặng quà cho thầy cô trong ngày 20/11… “phải” – trong hoàn cảnh này đồng nghĩa với việc bắt buộc.

“Tôi là một giáo viên và tôi không hiểu vì sao phải tặng quà cho thầy cô trong ngày 20/11. Có nhiều người nói rằng tặng để khỏi lo con mình bị phân biệt, tặng để con được quan tâm và cũng có người tặng để cảm ơn…”, cô nói và bày tỏ quan điểm của mình phụ huynh không nên tặng quà cho giáo viên mà không xuất phát từ sự tự nguyện.

Là một người khá rạch ròi, cô cũng thắc mắc tại sao phải tặng quà để cảm ơn thầy cô. Giáo viên cũng là một nghề như bao giờ nghề khác, nghề để cống hiến, để theo đuổi đam mê và để kiếm sống… đều phải nỗ lực làm tốt công việc của mình. Đó không phải là một nghề “ban ơn” hay “đẳng cấp” hơn các nghề khác để rồi mọi người phải “cảm ơn” như một trách nhiệm bắt buộc.

Nhiều món quà trong ngày nhà giáo mang ý nghĩa tri ân nhưng không đi cùng sự tự nguyện của người tặng. Trước hết là chính người tặng đã tự tạo ra áp lực tâm lý cho chính mình. Và người nhận quà là giáo viên– lẽ ra đón nhận niềm vui – thì lại mang thêm một “món nợ lòng”. Mà có thể sau đó “món nợ” này sẽ được đánh giá qua cách quan tâm, hành động đến học sinh của họ.

Thật chua xót khi phải nói rằng, câu "Của biếu là của lo /Của cho là của nợ" như vận vào món quà tri ân ngày nhà giáo.

Chị Trần Vy, nhà ở Q. Tân Bình, TPHCM cho biết, chị rất thích tặng quà cho người khác, đơn giản là để chia sẻ niềm vui hoặc chia sẻ những sản phẩm mình sử dụng thích đến với mọi người. 20/11 với chị cũng là một cái cớ để mình có thể tặng quà cho thầy cô. Nhưng trong lòng có mang tâm lý… không tặng là không xong, tặng để con mình được cô cũng quan tâm hơn thì chị không trả lời nổi.

Chị Vy cũng thành thật: “Có lúc tôi tự hỏi, mình tặng quà nhưng đừng ghi tên con vào thiệp chúc mừng. Nhưng có lẽ mình chưa làm được”.

Mọi món quà hay tri ân đến với thầy cô chỉ thật sự có ý nghĩa khi xuất phát từ sự tự nguyện, không toan tính (Ảnh mang tính minh họa)

Ngày 20/11 là kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam lâu nay trở thành ngày tặng quà cho giáo viên như một luật bất thành văn. Khắp nơi ở các cửa hàng quà tặng, hay trên mạng xã hội đều đang tưng bừng giới thiệu các quà tặng cho thầy cô dịp 20/11, phụ huynh rỉ tai nhau nên tặng quà gì… Tất cả rầm rộ tri ân nhưng với tâm lý là “việc phải làm”… tất cả sẽ trở nên nặng nề, không thoải mái cho cả người tặng quà và người nhận quà.

Để tháo gỡ điều này, một số trường học ở TPHCM, nhất là các trường tư thục đưa ra quy định giáo viên không được nhận bất cứ quà tặng nào từ phụ huynh. Có trường cũng thông báo trực tiếp với phụ huynh là nhà trường, giáo viên sẽ không nhận quà tặng.

Điều này theo nhiều người là hơi cực đoan nhưng hiệu trưởng một trường mầm non tư thục chia sẻ, họ ra quy định như vậy để người thầy có thể giữ sự trong sạch cho mình, tạo sự công bằng khi chăm sóc trẻ và phụ huynh cũng không phải nặng lòng chuyện quà cáp.

Tri ân chỉ có ý nghĩa khi không có sự gượng ép, toan tính.

Quy định về ngày 20/11

Vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT lấy ngày ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày nhà giáo Việt Nam".

Quyết định bao gồm các điều sau:

Điều 1: Từ nay hàng năm sẽ lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Điều 2: Để ngày 20/11 có ý nghĩa thiết thực, hàng năm, từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo.

Về phía giáo viên, cần có những hình thức sinh hoạt phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả của mình.

Điều 3: Việc tổ chức ngày 20/11 hàng năm do UBND và hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc họp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích.

Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Điều 4: Trong ngày 20/11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và của địa phương.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok