Trong nước

Tăng cường cảnh báo dân vùng hạ du khi vận hành xả lũ

"Vận hành hồ chứa theo đúng quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ" là yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương nhằm ứng phó với mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh phía Bắc.

Theo đó, đối với các nhà máy thủy điện, Bộ Công Thương yêu cầu vận hành hồ chứa đúng quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ; thông báo tình hình vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định; tăng cường cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và vận hành xả lũ; kiểm tra hồ, đập, nguồn điện dự phòng, vật tư dự phòng... để sẵn sàng ứng phó, xử lý ngay các tình huống bảo đảm an toàn hồ đập; quan trắc, dự báo, theo dõi lưu lượng về hồ để chủ động vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương cũng yêu cầu chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện... sẵn sàng khắc phục nhanh mọi sự cố do mưa lũ gây ra, đặc biệt là đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm tiêu úng; chỉ đạo các đơn vị truyền tải, phân phối điện kiểm tra công trình điện lực; sửa chữa, gia cố các điểm xung yếu...

Những ngày qua, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, sập đổ nhà, tắc nghẽn, chia cắt giao thông tại một số khu vực; thiệt hại về tính mạng, tài sản; ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, nhất là tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình.

Hiện lưu lượng nước về các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình đang gia tăng. Nước tại các hồ đã đạt hoặc gần đạt mực nước cao nhất cho phép thời kỳ lũ chính vụ. Mưa lớn tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp thì các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình có thể phải mở các cửa xả đáy để dành dung tích phòng lũ cho hạ du theo quy định.

Các tỉnh, thành phố: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình cần tổ chức thông tin tuyên truyền về việc xả lũ các hồ chứa (tuyên truyền quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hồng; hướng dẫn kỹ năng cho người dân để chủ động phòng tránh và ứng phó khi hồ chứa xả lũ); rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người, công trình và tài sản khi các hồ chứa xả lũ. Ngoài ra, chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để phòng, chống lũ, đảm bảo an toàn hồ đập theo cấp báo động.

Xuất hiện vùng áp thấp trên biển Đông, Bắc và Trung Bộ mưa to

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lúc 7h ngày 13.7 một vùng áp thấp mới xuất hiện trên biển Đông. Nó sẽ theo hướng bắc, vận tốc 5-10 km/h về khu vực quần đảo Hoàng Sa và khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới vào ngày 15.7.

Tiếp đó, áp thấp nhiệt đới theo tây bắc, hướng về phía đất liền Bắc Bộ và Bắc miền Trung.

Hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa to diện rộng cho Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế từ ngày 16 đến 18.7. Các chuyên gia cũng cảnh báo hiện tượng gió giật mạnh, lốc xoáy trong ba ngày này.

Trên biển, khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông mạnh.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ từ ngày 6 đến 12.7 khiến 13 người chết, một người mất tích, hàng trăm ngôi nhà hư hại, gần 200 m3 đất đá, sạt lở. Tổng thiệt hại vật chất ước tính 37 tỷ đồng.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok