Giáo dục

Tận dụng ưu thế với môn nhân hệ số

Nhiều trường tiếp tục áp dụng môn nhân hệ số 2 ở các tổ hợp xét tuyển. Thí sinh cần tính toán thật kỹ số điểm của mình, tận dụng ưu thế này để có thêm cơ hội trúng tuyển.


a5624889
Thí sinh được tư vấn tại gian tư vấn Trường ĐH Tài chính - marketing trong Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2016 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Trong kỳ tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Ngoại thương nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (đã tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đối với các ngành có các môn không nhân hệ số ở cơ sở Hà Nội và cơ sở 2 TP.HCM là 22 điểm (khối A00) và 20,5 (các khối còn lại);

Đối với các ngành có môn ngoại ngữ tính hệ số 2, các môn còn lại tính hệ số 1 (khối D01, D03, D04, D06, cơ sở Hà Nội) là 27,5 điểm.

Trong khi đó tại cơ sở Quảng Ninh, điểm sàn xét tuyển thấp hơn hai cơ sở trên với 18 điểm (tất cả các khối).

Ưu thế thuộc về thí sinh có điểm ngoại ngữ, toán cao

Tại Trường ĐH Ngoại thương, thí sinh đăng ký ngành/chuyên ngành sau khi được xác định đủ điểm trúng tuyển theo tổ hợp môn xét tuyển và theo mã xét tuyển.

Nếu thí sinh đủ điểm trúng tuyển theo tổ hợp môn xét tuyển và theo mã xét tuyển mà không đủ điểm trúng tuyển theo ngành/nhóm ngành đăng ký, thì sau khi nhập học được đăng ký chuyển sang các ngành/chuyên ngành thuộc mã xét tuyển đã trúng tuyển còn chỉ tiêu.

Cách tính điểm xét tuyển: đối với mã xét tuyển NTH04, NTH05, NTH06, NTH07: môn ngoại ngữ nhân hệ số 2. Đối với các mã xét tuyển còn lại, các môn đều hệ số 1.

Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa hai nguyện vọng, mỗi nguyện vọng ứng với một mã xét tuyển và có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp nguyện vọng sau.

Trường hợp có nhiều thí sinh cùng đạt mức điểm xét tuyển dẫn đến vượt quá chỉ tiêu của mã xét tuyển, trường sử dụng tiêu chí phụ là xét ưu tiên điểm thi môn toán.

Ngoài điều kiện về điểm sàn xét tuyển, nhà trường còn yêu cầu thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cần đạt yêu cầu cụ thể: tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương), sức khỏe tốt, có điểm trung bình chung học tập từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên và hạnh kiểm ba năm THPT đạt từ khá trở lên.

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Tài chính - marketing phải đạt hai tiêu chí: tốt nghiệp THPT; không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống và tổng điểm các môn (chưa nhân hệ số) theo tổ hợp môn xét tuyển tối thiểu đạt mức quy định.

Hai ngành có điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển thấp nhất (15 điểm) là ngành bất động sản và hệ thống thông tin quản lý. Tất cả các ngành còn lại có điểm sàn xét tuyển là 17.

Mức điểm này chưa tính đến điểm ưu tiên đối tượng, khu vực. Trường xét tuyển theo các tổ hợp môn xét tuyển sau: A00 (toán, lý, hóa); A01 (toán, lý, tiếng Anh); D01 (toán, văn, tiếng Anh).

Nhà trường xác định điểm xét tuyển theo công thức: Điểm xét tuyển = tổng điểm theo tổ hợp môn xét tuyển + điểm ưu tiên.

Trong đó tổng điểm theo tổ hợp môn xét tuyển là tổng điểm thi của ba môn trong tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25. Riêng ngành ngôn ngữ Anh, điểm thi môn tiếng Anh thuộc tổ hợp D01 được nhân hệ số 2.

Theo ThS Hứa Minh Tuấn - phó hiệu trưởng nhà trường, trong trường hợp tại mức điểm xét tuyển nhất định số lượng thí sinh trúng tuyển nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh của ngành, trường sẽ sử dụng tiêu chí xét tuyển phụ sau: xét ưu tiên điểm từ cao xuống thấp của môn thi (theo thứ tự môn 1, môn 2, môn 3) trong tổ hợp môn xét tuyển đến khi đủ chỉ tiêu.

Nhà trường cũng quy định cách thức xét tuyển giữa ngành thứ nhất và ngành thứ hai theo thứ tự ưu tiên trong phiếu đăng ký xét tuyển vào trường của thí sinh: hai nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ 1 (cao) đến 2 (thấp) của thí sinh có giá trị xét tuyển bình đẳng và được xét đồng thời với các thí sinh khác.

Thí sinh có mức điểm trúng tuyển cả hai ngành chỉ được xét vào học ngành có thứ tự ưu tiên cao nhất.

Xét tuyển bình đẳng giữa các nguyện vọng

Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho biết mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển hệ ĐH tại cơ sở đào tạo Hà Nội cho tất cả các ngành đào tạo là 17. Còn tại cơ sở đào tạo TP.HCM, điểm sàn nhận hồ sơ cho tất cả các ngành đào tạo là 15.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh bậc ĐH hệ chính quy của học viện là 3.000 sinh viên cho cả cơ sở đào tạo Hà Nội và TP.HCM. Trong đó chỉ tiêu của cơ sở đào tạo Hà Nội là hơn 2.200 cho chín ngành đào tạo, còn cơ sở đào tạo TP.HCM là gần 800 cho tám ngành đào tạo.

Học viện Hàng không VN quy định điểm sàn xét tuyển được tính từ điểm ngưỡng chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định. Học viện xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, các tổ hợp môn được xét tuyển cho cùng một ngành có vai trò như nhau (không chênh lệch điểm).

Các thí sinh có cùng điểm xét tuyển sẽ được ưu tiên như nhau. Trường ĐH Mở TP.HCM cũng xét tuyển dựa trên kết quả tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, với điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm sàn do Bộ GD-ĐT công bố.

Phương thức xét tuyển giữa hai ngành trong phiếu đăng ký của thí sinh: thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp nguyện vọng sau; xét hai nguyện vọng là bình đẳng. Điểm trúng tuyển xét theo từng ngành.

Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2 tại TP.HCM cũng công bố điểm sàn ba môn của tổ hợp dùng để đăng ký xét tuyển từ 15 điểm trở lên đối với học sinh phổ thông khu vực 3, không nhân hệ số và không có môn thi nào trong ba môn của tổ hợp trên có kết quả từ 1 điểm trở xuống.

Nhà trường xác định điểm trúng tuyển theo tổ hợp môn xét tuyển và theo ngành đăng ký xét tuyển. Các nguyện vọng (từ 1 - 2) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp nguyện vọng sau.

Trường hợp nhiều thí sinh có cùng tổng điểm xét tuyển, trường sẽ dựa theo thứ tự ưu tiên để xếp thứ tự trong danh sách xét tuyển cho các thí sinh như sau: ưu tiên thứ nhất - dựa vào tổng điểm thi THPT quốc gia hai môn toán và lý; ưu tiên thứ hai - dựa vào điểm thi THPT quốc gia môn toán; ưu tiên thứ ba - dựa vào thứ tự nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh.

Các mốc thời gian đăng ký xét tuyển

Thời gian nhận đăng ký xét tuyển đợt 1 từ ngày 1 đến 12-8. Các trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 14-8. Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 19-8 (tính theo dấu bưu điện, nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh).

Xét tuyển bổ sung đợt 1 từ ngày 21 đến hết 31-8. Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 4-9. Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 9-9 (tính theo dấu bưu điện, nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh).

Xét tuyển bổ sung đợt 2 từ ngày 11 đến hết 21-9. Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 23-9.

Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 28-9 (tính theo dấu bưu điện, nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh).

Các trường ĐH, CĐ chủ động công bố lịch xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo (nếu có). Kết thúc xét tuyển trước ngày 20-10 đối với bậc ĐH và 15-11-2016 đối với bậc CĐ.

Tác giả bài viết: TRẦN HUỲNH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok