Thế giới

Tấn bi hài kịch trong chính trị Mỹ

Bà Clinton có thể thắng cử, nhưng hậu quả của chiến thắng này thì khó ai đoán trước được. Tấn bị hài kịch trong chính trị Mỹ sẽ còn kéo dài.

Cái đinh cuối cùng

Nếu cả thế giới hướng vào nước Mỹ năm 2008 bởi việc lựa chọn vị Tổng thống da màu là sự kiện đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử Mỹ, thì năm 2016, không ai tiên đoán được cả thế giới lại một phen tròn mắt theo dõi diễn biến bầu cử nước này, cuộc bầu cử mà từ dân thường tới chính khách đều cho rằng “chưa từng có” từ trước tới nay.

Nó hấp dẫn bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hai ứng viên của hai đảng là hai người được dân chúng không ưa nhất. Nếu có những người sẵn sàng la ó trong trường hợp bà Clinton trở thành Tổng thống, thì cũng có những người sẵn sàng bỏ nước Mỹ ra đi nếu ông Trump lên lãnh đạo đất nước.

Bà Clinton nổi tiếng với sự láu cá, thì số liệu cũng cho thấy 80% những gì ông Trump nói là không trung thực. Nếu bà Clinton được cả bộ sậu đảng Dân chủ và gần như tất cả các hãng thông tấn lớn nhất Mỹ hậu thuẫn, thì ông Trump lại là người gây hấn trong đảng Cộng hòa – giữa lãnh đạo đảng (phần lớn không ủng hộ Trump) và người dân trong đảng (phần lớn “sẵn sàng chết vì ông”). Còn bà Clinton, người dân vô cùng không vui với việc bà ta đã đứng trên luật pháp, sự nghiệp đầy scandal nhưng vẫn được đề cử.

Cuộc bầu cử năm nay còn kịch tính ở chỗ các tính toán, các chỉ số, các ước lượng đều quay như con cù. Như một chiếc xe đã lên đến vận tốc quá lớn, chỉ một cú nhích nhỏ vài cm có thể đưa cả cỗ máy sang hướng hoàn toàn khác. Vài tuần trước đây, Nate Silver – thần tiên đoán kết quả bầu cử Mỹ, vẫn còn cho Trump dẫn điểm Clinton. Nate Silver nổi tiếng vì các ước đoán có tính chính xác lớn trong các kỳ bầu cử trước đây, và phần lớn các ước đoán đều có tính ổn định trong năm bầu cử; nghĩa là đầu năm tiên đoán ra sao thì thường cuối năm vẫn tiên đoán như vậy.

Nhưng lần này, chỉ trong vòng vài tuần lễ Nate Silver đã cho thấy toan tính của mình đã trượt đường ray như thế nào. Điều gì đã xảy ra?

Ảnh:Reuters

Trong khoảng thời gian trước cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và bà Clinton, người ta đã tiên đoán vì ông Trump ăn nói bạt mạng và chỉ số IQ không cao, bà Clinton chỉ việc giữ bình tĩnh, nói ít và nói lừng chừng là ông Trump sẽ tự dùng khẩu khí của mình làm hại mình. Họ đã đúng. Trong lần tranh luận đầu tiên, khi ban đầu ông Trump còn có vẻ “ra dáng chững chạc” thì tới khi bà Clinton đưa ra bằng chứng ông này đã từng gọi cựu Hoa hậu Hoàn vũ người Venezuela với những từ ngữ thô tục, Trump đã không giữ được sắc mặt bình thường.

Ngay sau đó, thay vì lên báo xin lỗi và chờ cho sự việc chìm vào quên lãng như các nhà chính trị hay làm, thì ông Trump thức tới 3 giờ sáng, lên mạng miệt thị cựu Hoa hậu và thậm chí còn khuyên fan hâm mộ đi tìm các video “nóng” của cô này. Có thể nói, việc làm của ông Trump không đẹp với cử tri gốc Nam Mỹ.

Lần tranh luận thứ hai, khi bị chất vấn về việc lách luật để trốn thuế trong mấy chục năm, Trump buông một câu, “tôi thông minh nên mới làm được vậy.” Lần này, ông Trump lại gây hấn với tầng lớp trung lưu Mỹ, những người hàng năm phải đóng thuế còn nhiều hơn cả tập đoàn Trump.

Đến lần tranh luận thứ ba, khi ông ấy buông câu miệt thị “Đúng là người đàn bà ghê gớm!” trong lúc bà Clinton đang trình bày quan điểm của mình, thì internet tại Mỹ gần như bùng nổ, facebook và twitter “cháy máy.” Ngay lập tức ra đời một phong trào phụ nữ với tên “Đàn bà ghê gớm vẫn đi bầu cử.”

“Người đàn bà ghê gớm” và “mãnh thú”

Ông Trump đã tính toán sai (?). Ông ta dựa quá nhiều vào fan cuồng – những người mà, theo như ông ta nói, sẽ ủng hộ ông dù ông có cầm súng giết người giữa đại lộ số 5 New York.

Nhưng ông quên rằng, ngoài vài chục triệu fan cuồng này, thì còn một số rất đông, nếu không nói là đông hơn, những người “độc lập” – họ không thích đảng nào. Những phát ngôn bạt mạng của Trump, ví dụ như phát ngôn về phụ nữ, hay kiểu “vũ khí nguyên tử làm ra không để dùng thì để làm gì,” hay “phải bỏ bom cả bọn khủng bố và cả họ nhà nó” đã khiến người ta so sánh ông với Hiller. Những người này có thể không thích bà Clinton, nhưng chắc chắn họ sẽ không bầu cho một ứng viên giống như ông Trump.

“Hiện tượng” Donald Trump sẽ phai, nhưng sự thịnh nộ của mấy chục triệu fan của ông ta thì không. Đã có nhiều nhóm tự vũ trang được thành lập, những nhóm “quyết tử” để đưa Clinton và bộ sậu ra trước vành móng ngựa vì vụ dùng email tại nhà hay các vụ làm ăn bất chính thời bà ta làm Bộ trưởng Ngoại giao. Họ sẵn sàng dùng thủ đoạn.

Bà Clinton có thể thắng cử, nhưng hậu quả của chiến thắng này thì khó ai đoán trước được. Tấn bị hài kịch trong chính trị Mỹ sẽ còn kéo dài.

Tác giả bài viết: Minh Nguyệt (viết từ nước Mỹ)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok