Trong nước

Tâm tư cử tri gửi tới Quốc hội

Bày tỏ sự tin tưởng, vui mừng về những kết quả đạt được của đất nước, song, cử tri cũng phản ánh tới Quốc hội nhiều vấn đề còn lo lắng và kỳ vọng có biện pháp, giải pháp giải quyết một cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 5 vào ngày mai 22/5. Như thông lệ, ngay tại phiên khai mạc, những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp gửi tới nghị trường.

Báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến sâu sắc, toàn diện, đề xuất bổ sung nhiều nội dung trên tinh thần “tổng hợp đầy đủ, khách quan, sát thực tiễn và hành văn tổng hợp mang tính nhân dân, mang tiếng nói của người dân và cử tri”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri Hải Phòng trước Kỳ họp thứ 5. Ảnh: Quốc hội

Ghi nhận dấu ấn đổi mới

Gửi tâm tư, nguyện vọng tới Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm, ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc lớn, phức tạp đã được làm rõ, xử lý đồng bộ cả kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý hình sự, vừa bảo đảm tính nghiêm minh, vừa có tính nhân văn sâu sắc. Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được hoan nghênh, nâng cao niềm tin của cử tri và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Ghi nhận dấu ấn đổi mới của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cử tri hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng pháp luật, công tác nhân sự…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến sâu rộng của nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), với hơn 12 triệu lượt góp ý vào đạo luật rất quan trọng này. Hoạt động chất vấn và giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thu hút được sự quan tâm vì đã lựa chọn được nội dung có tính trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, đúng những vấn đề nổi lên mà dư luận quan tâm.

Cử tri Hà Nội nêu ý kiến tại cuộc gặp với đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội trước phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm xem xét, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Điểm đổi mới rất quan trọng trong công tác này chính là việc hằng tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho ý kiến về công tác dân nguyện. Giám sát việc giải quyết cũng cho thấy hầu hết kiến nghị của cử tri và nhân dân đã được cơ quan dân cử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành tiếp thu, xem xét để trả lời hoặc chỉ đạo giải quyết.

Như nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại Phiên họp 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Việc trả lời có những tiến bộ, không chỉ vì trả lời theo quy định của pháp luật mà còn có cả trách nhiệm, tình cảm trong giải quyết kiến nghị cử tri.

Bên cạnh đó, cử tri ghi nhận sự cố gắng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành linh hoạt, hiệu quả; đề xuất để Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính; thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn.

Băn khoăn, lo lắng

Do những bất ổn của tình hình thế giới tác động vào nước ta, các đơn hàng bị cắt giảm, lao động, việc làm, thu nhập của một bộ phận lao động giảm; Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch COVID - 19. Cư tri và nhân dân lo lắng nếu kéo dài tình trạng này thì đời sống sẽ tiếp tục khó khăn hơn.

Tổng hợp của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho thấy, kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp.

Số liệu cho thấy tỷ lệ giải ngân của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia khi hết năm ngân sách (tính đến tháng 1/2023) đạt 57% kế hoạch vốn (24.000 tỷ đồng). Trong đó Chương trình xây dựng nông thôn mới ước đạt 65% tổng số vốn; Chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững 56% và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 51%.

Ngoài ra, cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng về các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài cầm đầu thông qua gọi điện, nhắn tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan chức năng thực thi pháp luật hoạt động trên không gian mạng tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn của người dân....

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 23 còn đề nghị rà soát và bổ sung đầy đủ những băn khoăn của người dân xung quanh tình hình kinh tế - xã hội, cả về tình hình tăng trưởng thấp, tăng trưởng âm của nhiều địa phương; về nội dung quy hoạch, nhất là quy hoạch điện, năng lượng tái tạo, kế hoạch sử dụng đất; về tình hình lao động, việc làm giảm, đời sống khó khăn; về mặt bằng lãi suất, tiếp cận tín dụng, hoàn thuế VAT.

Bên cạnh đó là cải cách hành chính, về môi trường đầu tư, kinh doanh; trách nhiệm của các cơ quan các cấp; về hiện tượng né tránh, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm; các sai phạm trong đăng kiểm; tiêu chuẩn, định mức phòng cháy, chữa cháy cho đến tình trạng thiếu giáo viên, trường học, lớp học…

Xuất phát từ kiến nghị của cử tri, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động.

Điểm đáng chú ý là kiến nghị nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, “giữ an toàn quá mức cần thiết”, không dám giải quyết công việc, trì trệ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân. Suy cho cùng, biểu hiện này cũng là tiêu cực.

Tâm tư, phản ánh của cử tri và nhân dân đã được ghi nhận và qua đó đưa hơi thở cuộc sống tới nghị trường. Và như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội Khóa XV không ngừng nỗ lực, cố gắng, quyết tâm đổi mới, phát huy dân chủ, gần dân và sát thực tiễn hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Tác giả: Ngọc Thành

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok