Xe

Tài xế taxi dễ mắc bệnh tâm thần, cột sống do áp lực công việc

Nhiều tài xế taxi đến Bệnh viện Tâm thần TP HCM điều trị do bị mất ngủ, căng thẳng triền miên, trầm cảm.

Anh Toàn, 35 tuổi, sống ở quận Bình Thạnh, sau 5 năm làm nghề lái taxi anh thường xuyên bị căng thẳng triền miên dẫn đến đau đầu, mất ngủ, cảm giác uể oải. Anh Toàn lái xe 7 chỗ, cứ chạy taxi một ngày rồi nghỉ cách nhật. Trung bình mỗi ngày anh lái xe khoảng 15 tiếng đồng hồ, có đêm chỉ chợp mắt được vài chục phút thì khách gọi.

"Nằm ngủ trên xe không thoải mái mà lại chập chờn do khách và tổng đài có thể gọi bất kỳ lúc nào. Riết rồi tôi bị mất ngủ và rất khó ngủ sâu, tính tình trở nên nóng nảy, hay cáu gắt". Đó là lý do anh Toàn tìm đến bệnh viện tâm thần nhờ bác sĩ tư vấn và điều trị.

Ảnh minh họa: News.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết nơi đây điều trị cho nhiều tài xế taxi như anh Toàn gặp các vấn đề tâm thần phổ biến như là mất ngủ, đau đầu hoặc trầm cảm do căng thẳng công việc. Đa phần bệnh nhân than phiền về tình trạng stress, mệt mỏi, mất ngủ, thậm chí bị tai nạn, va quẹt xe vì phản xạ không tốt như trước. Một số bác tài tìm đến thuốc lá, uống nước tăng lực, cà phê... để tỉnh táo hơn. Các bác sĩ khuyến cáo đó chỉ là những giải pháp tình thế nhằm trì hoãn cảm giác mệt mỏi chứ không thể giải quyết triệt để.

Bác sĩ Tâm khuyên bệnh nhân dành thêm thời gian nghỉ ngơi, không nên lái xe liên tục trong thời gian dài. "Khi cơ thể phát tín hiệu mệt mỏi, buồn ngủ thì không có loại thuốc nào trị được, liều thuốc hiệu quả nhất vẫn là nghỉ ngơi, giải tỏa áp lực cho cơ thể", bác sĩ nói. Theo bác sĩ Tâm, chỉ khoảng 20-30% tài xế gặp phải các vấn đề trên, số còn lại có khả năng thích nghi nghề nghiệp tốt cộng với chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý thì vẫn đảm bảo sức khỏe.



Theo thạc sĩ, bác sĩ Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện nhân dân Gia Định, hiện nay pháp luật đã có quy định về thời gian điều khiển xe an toàn. Cụ thể, thời lượng làm việc tối đa của người lái ôtô không được vượt quá 10 giờ trong ngày, không lái liên tục quá 4 giờ. Những quy định này được xây dựng dựa trên những nghiên cứu có cơ sở khoa học vừa vì sức khỏe của các bác tài đồng thời nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Trên thực tế, người điều khiển ôtô, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội đòi hỏi phải tập trung cao độ, cả bộ não cũng như các cơ quan khác thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng. Do vậy sau vài tiếng đồng hồ, cơ thể cần phải được nghỉ ngơi, tái lập lại năng lượng.

Bác sĩ Tân khuyên tài xế tốt nhất sau mỗi 2 tiếng đồng hồ chạy xe liên tục nên dừng và xuống xe, vận động cơ thể chừng 10 đến 15 phút lấy lại sự tỉnh táo rồi mới tiếp tục lái. Tranh thủ nghỉ ngơi vận động trong thời gian ngắn không những giúp tỉnh táo hơn mà còn giúp cơ thể thư giãn, giảm những bệnh lý nghề nghiệp do ngồi lâu như đau lưng, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp…

Bác sĩ lưu ý thêm với những tài xế lái xe chở khách đường dài cần đảm bảo ngủ đủ giờ từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ trước khi làm việc. Tránh thức khuya, uống rượu bia hay ăn no trước khi điều khiển phương tiện, bởi đó là những yếu tố dễ gây buồn ngủ. Ngoài ra, không nên sử dụng các loại thuốc cảm cúm, dị ứng trước khi lái xe vì chúng cũng thường gây buồn ngủ. "Điều khiển xe đường dài cần có ít nhất 2 tài thay phiên nhau mỗi 4 giờ. Sau 2 tiếng chạy xe liên tục, tài xế nên dừng và xuống xe vận động cơ thể chừng 10 đến 15 phút lấy lại sự tỉnh táo rồi mới tiếp tục lái", bác sĩ khuyên.

Bác sĩ Paul D’Alfonso, công tác tại Trung tâm trị liệu thần kinh cột sống Maple Healthcare cũng khuyến cáo tài xế lái xe lâu trong một thời gian dài có thể bị bệnh về thần kinh cột sống do tư thế. Nghiên cứu cho thấy cấu tạo cơ thể con người không phù hợp để ở trong một vị trí có áp lực cao suốt một thời gian dài. Ngồi lâu thường dẫn đến đau lưng ở những điểm thường xuyên chịu áp lực như vùng xương sống của lưng dưới...

Bác sĩ Paul từng điều trị cho nhiều tài xế lái xe nhiều trong thời gian dài cho cơ khoang bụng yếu, căng cơ hông và cơ mông, máu không lưu thông tốt, xương yếu dần dẫn đến những cơn đau lưng lặp đi lặp lại. Tình trạng còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng hơn như phá hủy tế bào tim, ruột kết và tuyến tụy. Ngoài việc điều trị bằng phương pháp nắn chỉnh thần kinh cột sống giúp cơ thể lấy lại sự cân bằng tự nhiên, bác sĩ Paul khuyên các bệnh nhân tập thói quen đứng dậy và duỗi người khoảng 5 phút sau mỗi giờ dù đang làm bất cứ việc gì. Như thế sẽ giúp xương sống di chuyển hợp lý và giảm nguy cơ mắc phải các chứng thoái hóa cột sống ở lưng dưới và cổ.

Tác giả bài viết: Trần Ngoan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok