Sau khi bẻ lái cứu 2 nữ sinh, anh Đỗ Văn Tiến (Thủy Nguyên - Hải Phòng) phải đối mặt với việc đền bù chiếc xe 7 chỗ anh đâm phải hôm đó, dự tính số tiền để sửa sang lại chiếc xe là 245 triệu.
Ngày 17/4, đại diện hai bên đã gặp nhau để ký vào bản thỏa thuận bồi thường tuy nhiên sự việc không diễn ra theo dự tính ban đầu.
Trao đổi với PV, chị Nông Thị Cúc (vợ anh Tiến) cho biết: "Hôm nay (ngày 17/4-PV), chúng tôi đã làm việc với người nhà chiếc xe 7 chỗ. Lúc sáng chủ xe 7 chỗ vẫn hẹn sẽ đến và bảo đi được 1/3 quãng đường. Sau đó chủ xe lại cho người khác xuống. Họ cũng bảo đã được chủ xe ủy quyền nhưng việc được ủy quyền ở đây chỉ được chứng minh bằng chiếc ảnh chụp giấy ủy quyền".
Theo chị Cúc, mặc dù chủ xe 7 chỗ không đến nhưng người nhà họ đến rất đông. Người thì nói họ ở Lạng Sơn, người thì nói họ ở Hà Nội. Trong khi đó, nhà chị đến đây chỉ có hai vợ chồng.
Hỏi về kết quả buổi làm việc, chị Cúc bức xúc nói: "Tình hình làm việc chẳng đâu vào đâu, không giải quyết được việc gì. Họ bắt nhà tôi phải chuyển vào tài khoản của cơ sở sửa chữa ô tô 245 triệu. Tôi yêu cầu họ làm đơn không khởi tố nữa nhưng họ không chịu làm luôn mà yêu cầu gia đình tôi chuyển hết tiền rồi mới làm giấy nhưng tôi không đồng ý. Đây là số tiền rất lớn, tôi cũng không thể mạo hiểm như thế được.
Nếu như phải chuyển trước thì tôi dự định chuyển 100 triệu thôi. Sau khi họ viết đơn không khởi tố nữa thì tôi chuyển hết nhưng gia đình họ vẫn không đồng ý khiến không khí nặng nề, cãi nhau trong gara ô tô.
Thấy khó hiểu nên tôi hỏi phía gara ô tô, người của gara đó cũng bảo đặt 50 triệu cũng được, không nhất thiết phải tiền nhưng chỉ cần ký vào giấy đồng ý sửa chữa. Tuy vậy, phía người nhà chủ xe vẫn không không đồng ý".
Vợ chồng anh Tiến mệt mỏi vì chưa giải quyết xong. |
Chị Cúc nhận định, buổi làm việc diễn ra theo hướng dân sự, không có mặt của công an cũng không hẳn tốt.
"Tôi thấy bên phía chủ xe 7 chỗ họ có gì đó không thật. Họ gọi bao nhiêu người đến làm việc. Ông này ông nọ ông kia đều nhận là người được ủy quyền.
Lúc đầu, chủ xe 7 chỗ kia bảo không về, lúc thì lại bảo ở Hải Phòng. Từ hôm xảy ra sự việc tới giờ anh Tiến mới gặp người này đúng một lần là hôm xảy ra tai nạn, từ đó đến nay chưa lần nào bác chủ ra mặt.
Tôi chỉ lo đến lúc chuyển tiền xong rồi họ không cần đến chúng tôi nữa rồi làm đơn truy cứu trách nhiệm hình sự anh Tiến.
Thực sự trong việc giải quyết lần này, nếu người ta không có ý đồ thì tại sao lại khó khăn trong việc viết đơn và bắt phải chuyển hết tiền bởi chỉ cần tôi ký vào giấy là tôi có trách nhiệm sửa xe cho họ rồi.
Sau buổi làm việc ngày hôm nay, tôi và chồng tôi đều rất mệt mỏi, không biết sự việc sẽ đi đến đâu" - chị Cúc chia sẻ.
Xoay quanh chuyện anh Tiến bẻ lái cứu nữ sinh, trước đó, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng đã dành lời khen ngợi.
Thiếu tướng Ca nói: "Cá nhân tôi nghĩ rằng nên thỏa thuận dân sự, chứ không nên hình sự hóa vấn đề vì vụ việc không lớn, không thiệt hại về tính mạng. Ngoài ra, tôi nghĩ có khi còn nên tuyên dương anh Đỗ Văn Tiến".
Một lãnh đạo Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Thủy Nguyên cũng chia sẻ trên tờ Thanh Niên về vấn đề này.
Người đại diện công an huyện nói: "Theo nguyên tắc, khi công an tiến hành điều tra một vụ việc thì đều thông báo với viện kiểm sát cùng cấp để viện kiểm sát thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật của công an.
Trong vụ này, Viện Kiểm sát huyện Thủy Nguyên được thông báo ngay từ đầu. Nhưng việc chuyển hồ sơ vụ việc sang viện kiểm sát để truy tố là không có".
Tác giả: Thanh Thanh
Nguồn tin: Báo Đất việt