Cuộc sống

Tại sao Vân không được lòng mẹ chồng và bài học cho các nàng dâu tương lai

Chuyện mẹ chồng – nàng dâu mỗi thời có thể khác nhau nhưng muôn thuở vẫn là hai chữ “Hòa thuận” được đặt dấu hỏi lớn nhất. Qua bộ phim đang gây sốt dư luận "Sống chung với mẹ chồng", các nàng dâu hiện đại học được điều

1.000 nàng dâu thì 999 nàng có tâm sự về mẹ chồng. Chuyện mẹ chồng – nàng dâu mỗi thời có thể khác nhau nhưng muôn thuở vẫn là hai chữ "Hòa thuận" được đặt dấu hỏi lớn nhất. Từ những ngày đầu phát sóng, bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" đã thu hút được nhiều khán giả với đề tài "ngàn năm" này. Có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về hai nhân vật Vân và bà Phương. Đành lòng bà Phương khắt khe, khó tính. Nhưng liệu đó có phải là nguyên nhân duy nhất khiến Vân không được lòng mẹ chồng?

Tại sao Vân không được lòng mẹ chồng và bài học cho các nàng dâu tương lai - Ảnh 1.

Vân - điển hình của mẫu người phụ nữ trẻ hiện đại

Nhìn lại những tập phim đầu, Vân xuất hiện với hình tượng một người phụ nữ trẻ, hiện đại. Cái hiện đại của Vân thể hiện ở việc cô có khả năng độc lập về tài chính. Mặc dù gia đình làm nông nhưng cô chưa bao giờ nghĩ đến việc lấy chồng giàu để nương tựa vào nhà chồng.

Cô làm biên tập cho một tờ báo (sau được lên chức trưởng phòng) và có thu nhập ổn định. Cô cũng có khoản tiền tiết kiệm của riêng mình cho những mục tiêu lớn trong cuộc sống. So với gia đình nhà chồng, số tiền 300 triệu không phải là con số quá lớn nhưng nó thể hiện tư tưởng độc lập và không phụ thuộc của Vân.

Vân cũng có quan điểm bình đẳng trong việc nội trợ. Ở tập 3, khi Vân đề nghị với chồng về việc ra ở riêng, cô cũng không quên “kèm” theo câu: “Anh vẫn phải giúp em rửa bát đấy!”. Chỉ là câu nói đùa nhưng nó thể hiện quan điểm của cô : Những việc nội trợ không phải việc chỉ dành riêng cho đàn bà. Thanh - chồng Vân cũng đồng ý với điều kiện ấy rất vui vẻ. Anh còn “tự nguyện” giúp Vân những việc khác như: giặt giũ, phơi đồ..v..v.. Tư tưởng bình đẳng trong việc nội trợ đã được thế hệ trẻ chấp nhận. Đặc biệt là những người phụ nữ trẻ hiện đại, có khả năng độc lập về tài chính. Thế nhưng, tư tưởng ấy ngay lập tức bị bà Phương phản đối kịch liệt.

Mặc dù Vân và mẹ chồng đối lập trong nhiều quan điểm nhưng cô vẫn cố gắng để cải thiện mối quan hệ với bà. Một trong số những nỗ lực ấy thể hiện ở tập 9, khi biết bố mẹ chồng có cãi vã, Vân chủ động mua bánh ngọt để mời cả nhà ăn bánh uống trà và giúp bố mẹ giảng hòa.
Dù trước đó, bà Phương giận ông Phương quá đã mắng lây Vân là thứ con gái “son phấn lòe loẹt” nhưng Vân vẫn muốn bố mẹ chồng làm lành, gia đình vui vẻ. Sống chung với bà mẹ chồng “có một không hai” nhưng cô vẫn luôn mong muốn sống vui vẻ hòa hợp với bà Phương. Qua cuộc trò chuyện với cô bạn thân Trang ở tập 3, Vân đã thổ lộ: “Tại sao phải khổ thế? Tại sao không thể chung sống hòa thuận với nhau?”. Trái với cô bạn thân của mình, Trang luôn tìm cách để không phải sống chung với mẹ chồng. Thậm chí, cô gái này còn không ít lần đuổi khéo, đuổi thẳng mẹ chồng về quê. So với Trang, Vân không biết “mưu mẹo” để đối phó với mẹ chồng.

Tại sao Vân không được lòng mẹ chồng và bài học cho các nàng dâu tương lai - Ảnh 3.

Có một bức tường vô hình luôn tồn tại trong mỗi gia đình, có tên “Khoảng cách thế hệ”. Sinh ra ở một thế hệ khác, tư tưởng, quan điểm của bà Phương khác rất nhiều so với thế hệ trẻ. Hình ảnh bà Phương khiến tôi liên tưởng đến những người phụ nữ phong kiến với quan điểm “Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.

Bà là người quán xuyến mọi công việc trong gia đình từ cơm nước, nhà cửa đến chồng con .. mà không bao giờ ca thán, luôn coi đó là nghĩa vụ, bổn phận của bản thân. Những hành động nhỏ nhặt: không bao giờ để con trai vào bếp, luôn là người mở cửa cho chồng đã cho thấy cái nếp sống cam chịu ấy đã ăn sâu vào suy nghĩ của bà.

Nhưng suy cho cùng, bà là người phụ nữ yêu thương chồng con hết mực. Dù cách yêu thương ấy có phần “nuông chiều”, có phần cổ hủ nhưng đó vẫn là tình yêu của người mẹ, người vợ.

Vân có phần “Shock” trước cách ứng xử của mẹ chồng. Ít người phụ nữ trẻ nào có thể giữ bình tĩnh trước tình cảnh mẹ chồng lao xuống, quát mắng xối xả khi thấy con trai rửa hộ vợ chiếc bát. Ở thế kỉ 21 này rồi mà vẫn còn người phụ nữ giành làm hết mọi công việc nhà trong gia đình ư? Như vậy chẳng phải tạo cho chồng, cho con thói quen ỷ lại? Với Vân, bà Phương là người cổ hủ và khó chiều !

Tại sao Vân không được lòng mẹ chồng và bài học cho các nàng dâu tương lai - Ảnh 4.

Hai mẹ con dường như chẳng thể hòa hợp với nhau, dù là chuyện đơn giản nhất

Nhưng, khoảng cách nào cũng có thể thu ngắn, bức tường nào cũng có cách vượt qua. Bản thân là người con dâu, phải biết khéo léo để gần gũi với mẹ chồng thì đó lại là điều mà Vân thiếu. Không phủ nhận việc Vân có ý định tốt để lấy lòng mẹ chồng, nhưng những ý tốt ấy đã biến thành “thảm họa” do thiếu đi sự tinh tế. Trong tập 5, Vân mua tặng bà Phương một chiếc túi trị giá hơn 2 triệu đồng. Cô gái trẻ nghĩ rằng: mẹ chồng ít mua đồ riêng cho bản thân, bố chồng lại là quan sếp, khi đi ra ngoài dùng một chiếc túi đắt tiền cũng là điều nên. Tưởng rằng bà Phương sẽ vui vì nhận được món quà từ con dâu. Trái lại bà tức giận, mắng con dâu là hoang phí và ngay lập tức bắt con trai mang trả lại chiếc túi. Vân đã không tinh tế trong việc lựa quà đắt tiền lại để nguyên tem giá. Mặc dù cô biết mẹ chồng là người tiết kiệm, từ những việc nhỏ nhất như tiết kiệm nước rửa rau, tiết kiệm điện tủ lạnh.

Ngay cả trong cách xử sự với chồng trước mặt mẹ chồng, Vân cũng bộc lộ sự “vụng về”. Bà Phương chỉ có một người con trai là Thanh. Bà vẫn luôn chăm chút mọi thứ cho con trai khiến Thanh dù đã là người đàn ông có vợ nhưng vẫn như một đứa trẻ to xác. Nếu như Vân khéo léo hơn một chút, tỏ ra chăm lo cho chồng nhiều hơn trước mặt mẹ chồng thì chắc hẳn không có người mẹ chồng nào lại nỡ làm khó cô con dâu hết mực lo cho cậu quý tử của bà. So với Diệp, Vân chắc chắn thua kém về mảng này. Chỉ một câu nói khi bà Phương định gọi điện cho Thanh về ăn cơm: “Đàn ông con trai cần sự nghiệp chứ ai lại cứ dính với cái bếp”, Diệp đã khiến bà Phương vui vẻ và có thiện cảm với mình ngay lập tức.
Vân đã thiếu đi chữ CÔNG và chữ NGÔN. Cùng với sự ương ngạnh, không muốn thay đổi bản thân, chính cô đã đẩy mối quan hệ giữa mình và mẹ chồng lên đến đỉnh điểm.

Phụ nữ, ngàn đời nay vẫn vậy, “yêu bằng tai”. Mẹ chồng hay nàng dâu đều như nhau, đều là phụ nữ. Khó tính đến mấy cũng chỉ cần vài lời nói êm dịu. Mặc dù giỏi giang nhưng quá thẳng thật và không khéo léo đã khiến Vân không được lòng mẹ chồng. Đành lòng mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu còn do nhiều yếu tố bên ngoài tác động như: thiên hạ, họ hàng, chồng con… nhưng sự khéo léo của người con dâu mới là yếu tố quyết định.

Trịnh Huyền Trang – nhà văn trẻ có viết: “Khi mẹ chồng thông cảm cho con dâu, thì sẽ bớt cho con trai mình vài phần suy nghĩ. Khi con dâu biết cảm thông cho mẹ chồng, thì sẽ giảm cho chồng mình trăm mối lắng lo". Mẹ chồng trước đó cũng từng làm dâu. Nhưng ở mỗi thế hệ khác nhau có muôn vàn điều khác. Cái thương yêu của bà Phương cho chồng cho con không sai nhưng nó không phù hợp với hiện tại.

Có đặt bản thân vào địa vị người mẹ chồng, có hiểu được những nỗi lo, cái “ghen ngầm” khi con trai có vợ không cần đến mẹ nữa thì mới có thể cảm thông mà chia sẻ. Một lúc nào đó, khi đã có con, có lẽ người những người phụ nữ trẻ như Vân mới hiểu được rằng: Bà mẹ chồng nào thì cũng là mẹ ! Chỉ mong con mình có một người bạn đời biết yêu thương, săn sóc, sẻ chia. Học làm một người con dâu nhẫn nại, biết sẻ chia thông cảm thì việc lấy lòng mẹ chồng không còn là điều “không tưởng”.

Tại sao Vân không được lòng mẹ chồng và bài học cho các nàng dâu tương lai - Ảnh 7.
Tác giả: Sumi
Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ
  Từ khóa: mẹ chồng , nàng dâu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok