Trong tỉnh

Tại sao không tịch thu 11 con hổ của 'ông trùm' buôn bán động vật hoang dã?

Trước những khuyến nghị của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên về việc tỉnh Thanh Hóa cần tịch thu 11 chú hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến, cơ quan chức năng Thanh Hóa đánh giá khó có thể thực hiện.

“Rất khó để tịch thu 11 cá thể hổ”

Mới đây Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) lại tiếp tục đề xuất tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng tịch thu 11 cá thể hổ tại trại nuôi của ông Nguyễn Mậu Chiến ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cho rằng, việc nuôi nhốt hổ tại cơ sở của Nguyễn Mậu Chiến không những thiếu căn cứ pháp lý mà còn không có ý nghĩa đối với công tác bảo tồn hổ trong tự nhiên.

Bởi lẽ, ông Chiến hiện đang thụ án 13 tháng tù giam, và vợ ông là bà Lê Thị Hồng chịu án 6 tháng tù treo vì liên quan đến đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia.

Những chú hổ trong trại nuôi của ông Nguyễn Mậu Chiến ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa

ENV nghi ngờ, trang trại nuôi nhốt hổ của Nguyễn Mậu Chiến không những không có ý nghĩa bảo tồn như mục đích thành lập mà nhiều khả năng còn là “vỏ bọc” cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hổ và các loài động vật hoang dã khác.

Trao đổi về vấn đề này, ông Thiếu Văn Lực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, rất khó khăn trong việc tịch thu 11 cá thể hổ tại trại nuôi của ông Nguyễn Mậu Chiến.

Ông Lực cho biết, trước đó, liên quan đến khuyến nghị tịch thu của ENV, ngày 18/7/2017, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện Cục Kiểm lâm, cơ quan quản lí CITES Việt Nam, Cục bảo tồn đa dạng sinh học, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) và các ban ngành địa phương để bàn luận về số phận của trại nuôi này, cũng như xem xét ý kiến của ENV.

Kết thúc cuộc họp, các bên đi đến thống nhất rằng không thể tịch thu 11 cá thể hổ theo đề nghị của ENV bởi thời điểm đó chưa có kết luận của cơ quan điều tra chứng minh ông Chiến có hành vi vi phạm liên quan trực tiếp tại trại nuôi hổ này.

Đồng thời, cơ quan chức năng tỉnh cũng thống nhất chưa cấp giấy chứng nhận thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, cấp giấy phép nuôi trồng loài ưu tiên bảo vệ cho trại nuôi theo đơn đề nghị của gia đình.

Ông Lực cho hay, cùng thời điểm đó, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã gửi văn bản cho các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đề nghị tiếp nhận 11 cá thể hổ này, phía gia đình ông Chiến cũng đồng ý chuyển giao. Tuy nhiên các trung tâm cứu hộ đều gửi văn bản trả lời không thể tiếp nhận do không đủ điều kiện.

Nguyên nhân chính là do các trung tâm này không đảm bảo về cơ sở vật chất, chuồng trại, nhân viên chăm sóc, ngoài ra còn thiếu kinh phí hỗ trợ cho hộ gia đình ông Chiến.

“Trong thời gian tìm kiếm giải pháp hợp lí nhất cho 11 chú hổ, chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra chặt chẽ, hướng dẫn cho hộ gia đình tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo các điều kiện thiết yếu cho 11 cá thể hổ này.

Theo thông tin chúng tôi nhận được, ngày 20/3/2018, Tòa án nhân dân quận Hà Đông (Hà Nội) đã tuyên phạt ông Nguyễn Mậu Chiến 13 tháng tù giam, vợ ông Chiến là bà Lê Thị Hồng 6 tháng tù treo. Trong lời khai của ông Chiến tại tòa có nói đến 2 cá thể hổ đông lạnh được lấy từ trại nuôi của gia đình.

Vì vậy, chúng tôi vẫn đang chờ nhận được nội dung bản án của tòa án để làm căn cứ có quyết định tịch thu hay tiếp tục cấp phép cho trại nuôi của ông Chiến”, ông Lực nói.

Theo ông Lực, trong trường hợp không có trung tâm nào tiếp nhận 11 con hổ trên. Đồng thời, cơ quan điều tra kết luận ông Nguyễn Mậu Chiến không có hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến trại nuôi, các cá thể hổ có đủ cơ sở khoa học để xác nhận là thuần chủng (giám định gen) trại nuôi đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì tỉnh Thanh Hóa sẽ xem xét cấp giấy chứng nhận thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và cấp giấy phép nuôi loài ưu tiên bảo vệ (loài hổ) cho trại nuôi của gia đình ông Chiến.

Từ ông chủ trại nuôi bảo tồn hổ đến "ông trùm" buôn bán động vật hoang dã

Được biết, trang trại nuôi nhốt hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến hoạt động trái phép từ năm 2006. Ban đầu ông Nguyễn Mậu Chiến (thường trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) mang về 12 chú hổ con rồi lập trại nuôi nhốt tại cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân. Từ đó đến nay, đàn hổ không sinh sản thêm, chỉ ghi nhận 1 con đã chết, hiện còn tổng cộng 11 cá thể.

Năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng Nguyễn Mậu Chiến về hành vi nuôi nhốt 12 cá thể hổ trái phép, đồng thời giao cho ông Chiến tiếp tục nuôi thí điểm 12 cá thể hổ trên tại cơ sở.

Ngày 22/5/2012, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cho trại nuôi của Nguyễn Mậu Chiến được “nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn” 12 cá thể hổ (số lượng hổ thay đổi do sinh sản và chết). Giấy chứng nhận có thời hạn trong thời gian 5 năm, hết hạn vào tháng 5/2017. Đây là trại nuôi nhốt hổ duy nhất tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 27/4/2017, ông chủ trại hổ Nguyễn Mậu Chiến đã bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm và Công an quận Hà Đông bắt giữ cùng một số đối tượng khác với tang vật thu giữ khoảng 36kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ con đông lạnh, ngà voi, da sư tử và nhiều sản phẩm chế tác từ ngà voi và các loài động vật hoang dã khác.

Ngày 20/3/2018, Tòa án nhân dân quận Hà Đông (Hà Nội) đã kết án Nguyễn Mậu Chiến 13 tháng tù giam về tội “Vận chuyển hàng cấm” và “Tàng trữ hàng cấm”.

Vợ của đối tượng là Lê Thị Hồng (hiện đang đại diện quản lý cơ sở nuôi nhốt hổ) cũng bị xử phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách 12 tháng.

Tác giả: Lương Diễn

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok