Cuộc sống

Tại sao bạn toát mồ hôi?

Mồ hôi là gì? Tại sao cơ thể của chúng ta có mồ hôi? Mồ hôi hoạt động như thế nào?


Bạn đang muốn làm một việc trọng đại nào đó – có thể là một cuộc phỏng vấn việc làm, một bài thuyết trình, lần hẹn hò đầu tiên hoặc đám cưới của bạn – và rồi bạn nhận ra rằng lòng bàn tay và nách của mình đổ mồ hôi. Hoặc sau khi hoàn thành một bài tập aerobic, chơi một trận bóng đá… cơ thể bạn sẽ ưới đẫm mồ hôi. Làm thế nào các hoạt động khác nhau lại cho một kết quả tương tự nhau (đổ mồ hôi)? Vậy mồ hôi là gì và nó hoạt động như thế nào?

Mồ hôi là cách cơ thể tự làm mát và nó cũng có thể tiết ra khi cơ bắp vận động mạnh hoặc do các hoạt động thần kinh căng thẳng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến tuyến mồ hôi của bạn và cách nó hoạt động. Bạn có biết rằng những giọt mồ hôi trong lòng bàn tay và ở nách của mình là khác nhau?

Một người trung bình có 2,6 triệu tuyến mồ hôi trên da. Tuyến mồ hôi được phân phối trên toàn bộ cơ thể - ngoại trừ môi, núm vú. Tuyến mồ hôi nằm ở lớp hạ bì của da cùng với một số thành phần khác như dây thần kinh, nang tóc…

Về cơ bản, các tuyến mồ hôi bao gồm một ống dẫn dài, một phần cuộn lại và rỗng. Các phần cuộn ở lớp hạ bì là nơi mồ hôi được sản xuất và phần ống dài chính là đường nối với các lỗ mồ hôi trên bề mặt của da. Tế bào thần kinh từ hệ thống thần kinh giao cảm kết nối với các tuyến mồ hôi. Có hai loại tuyến mồ hôi:

Eccrine – có số lượng nhiều nhất, được tìm thấy khắp cơ thể, đặc biệt là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và trán.

Apocrine - chủ yếu được giới hạn ở vùng nách, vùng hậu môn, cơ quan sinh dục. Và các ống nối thường kết thúc trong nang tóc hơn là lỗ chân lông.

Hai tuyến này khác nhau về kích thước, độ tuổi (khoảng thời gian) mà chúng trở nên hoạt động mạnh mẽ và thành phần những giọt mồ hôi do hai tuyến này tiết ra cũng khác nhau.

Cả hai tuyến mồ hôi này đều có mặt từ khi con người sinh ra nhưng Apocrine bắt đầu hoạt động mạnh ở tuổi dậy thì. Trong thành phần của mồ hôi (từ tuyến Apocrine) ngoài nước còn chứa các protein và axit béo.

Có một sự thật thú vị mà ít ai biết là màng tai ngoài của bạn đã chuyển đổi tuyến apocrine thành một tuyến khác gọi là ceruminous. Tuyến này làm nhiệm vụ là sản xuất ráy tai – chất được sinh ra để ngăn chặn bụi, nước từ bên ngoài xâm nhập vào tai của bạn, thậm chí bao gồm cả côn trùng.

Chúng ta liên tục đổ mồ hôi mặc dù có thể chúng ta không nhận ra điều này. Đổ mồ hôi là một trong những cách chính để cơ thể làm mát khi nóng bức, là sản phẩm của quá trình chuyển hóa hoặc làm việc của cơ bắp. Mồ hôi có thể được tiết ra do kích thích thần kinh, nhiệt độ không khí cao hoặc do tập thể dục.


Đầu tiên, chúng ta hãy tập trung vào cách mồ hôi vận hành trong tuyến eccrine. Khi tuyến mồ hôi được kích thích, các tế bào tiết ra một chất lỏng tương tự như huyết tương - trong thành phần của dung dịch này có nước, natri nồng độ cao, và clorua, kali nồng độ thấp – nhưng không có protein và axit béo thường được tìm thấy trong huyết tương. Nguồn gốc của chất lỏng này là khoảng trống giữa các tế bào (không gian kẽ) nhận được chất dịch từ các mạch máu (mao mạch) ở lớp hạ bì. Chất lỏng này đi từ phần cuộn lên qua ống thẳng (xem hình). Vậy điều gì xảy ra trong ống thẳng làm ảnh hưởng đến tốc độ sản xuất mồ hôi?

- Mồ hôi tiết ra ít trong trường hợp môi trường mát mẻ: Các tế bào trong ống thẳng hấp thu bớt natri và clo từ các chất lỏng. Điều này xảy ra khi có đủ thời gian để quá trình tái hấp thu hoạt động. Ngoài ra, nước cũng được tái hấp thu. Vì vậy không có nhiều mồ hôi được tiết ra bên ngoài. Ngoài ra, thành phần mồ hôi này sẽ không có nhiều natri, clorua mà nhiều kali.

- Mồ hôi tiết ra nhiều khi tập thể dục hoặc nhiệt độ cao: Các tế bào trong ống thẳng không có đủ thời gian để hấp thu bớt tất cả natri và clorua từ chất lỏng tiết ra ban đầu. Vì vậy rất nhiều mồ hôi được tiết ra để làm mát bề mặt da và thành phần mồ hôi có đôi chút khác biệt với trường hợp đầu tiên: nồng độ natri và clorua nhiều hơn, kali cũng cao hơn khoảng 20%.

Mồ hôi được sản xuất trong các tuyến mồ hôi apocrine trong cùng một cách. Tuy nhiên, những giọt mồ hôi từ các tuyến apocrine cũng chứa protein và axit béo làm cho nó đặc hơn và có màu hơi ngả vàng. Mồ hôi tự nó không có mùi nhưng vi khuẩn trên da và tóc chuyển hóa protein và axit béo và từ đó tạo ra mùi khó chịu. Đây là lí do vì sao các chất khử mùi mồ hôi thường được dùng cho nách thay vì toàn thân (vì nách là nơi tập trung tuyến mồ hôi apocrine).

Khối lượng mồ hôi mà một người có thể tiết ra do khí hậu nóng bức là 1 lít/giờ. Thật ngạc nhiên khi di chuyển đến những vùng có khí hậu khắc nghiệt như phía tây nam sa mạc Mỹ hoặc các vùng nhiệt đới, bạn có thể sản xuất đến 2-3 lít mồ hôi mỗi giờ trong khoảng 6 tuần trước khi cơ thể bạn thích nghi với nơi này (khi đó lượng mồ hôi tiết ra sẽ giảm). Và đây dường như số lượng mồ hôi tối đa mà cơ thể có thể tiết ra trong một giờ.


Tại sao chúng ta toát mồ hôi?

Khi mồ hôi bốc hơi từ bề mặt của da, nó loại bỏ nhiệt dư thừa và làm mát da bạn. Đây thực sự là một nguyên tắc đã được vật lý chứng minh. Để chuyển đổi nước từ một chất lỏng thành hơi cần phải tốn một lượng năng lượng nhiệt nhất định (gọi là nhiệt bay hơi). Năng lượng nhiệt này làm tăng tốc độ của các phân tử nước để chúng có thể thoát vào không khí.

Đối với nước, giá trị này là 540 calo/gram. Vì vậy, nếu bạn có thể tạo ra một lít mồ hôi thì cần khoảng 540.000 calo nhiệt để loại bỏ nó khỏi cơ thể của bạn (mật độ của nước là 1g/ml hoặc 1kg/lít). Đây là một ví dụ cực đoan khi cơ thể bạn tiết ra được lượng mồ hôi tối đa trong điều kiện nhiệt độ bình thường.

Thông thường, các giọt mồ hôi sẽ không bay hơi toàn bộ mà trượt theo làn da của bạn. Ngoài ra, không phải tất cả năng lượng nhiệt được sản xuất bởi cơ thể đều được tiêu tốn cho quá trình làm bốc hơi mồ hôi. Một số nhiệt lượng thoát qua da vào môi trường, số khác bị mất thông qua hô hấp của phổi.

Một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến tốc độ bay hơi là độ ẩm tương đối của không khí xung quanh bạn. Nếu không khí ẩm, có nhiều hơi nước và gần đạt đến độ bảo hòa thì mồ hôi sẽ ít bay hơi hơn. Do đó, ở điều kiện này mồ hôi ít có tác dụng làm mát cơ thể như ở trong điều kiện môi trường khô ráo.

Cuối cùng, khi lượng nước trong mồ hôi bốc hơi, nó để lại muối (natri, clorua và kali) trên làn da của bạn, đó là lí do vì sao làn da của bạn có vị mặn. Việc mất quá nhiều lượng muối và nước từ cơ thể có thể khiến bạn rơi vào tình trạng mất nước. Điều này có thể ảnh hưởng đến các vấn đề tuần hoàn, suy thận và đột quỵ nhiệt. Vì vậy, điều quan trọng là hãy uống nhiều nước khi bạn tập thể dục hoặc hoạt động trong môi trường có nhiệt độ cao. Nước uống dùng trong thể thao có chứa một số muối để thay thế cho những gì đã mất theo mồ hôi.

Yếu tố tác động của thần kinh có ảnh hưởng đến mồ hôi?


Như đã đề cập ở phần trên, mồ hôi phản ứng với trạng thái cảm xúc của bạn. Vì vậy, khi bạn đang lo lắng hoặc sợ hãi, hoạt động thần kinh giao cảm trong cơ thể của bạn sẽ gia tăng, cũng như việc bài tiết epinephrine từ tuyến thượng thận của bạn cũng cao hơn bình thường. Những chất này hoạt động trên các tuyến mồ hôi của bạn, đặc biệt là tại vùng bàn tay và nách. Ngoài ra, các hoạt động thần kinh giao cảm tăng lên trong da làm thay đổi điện trở của nó, đây là cơ sở để người ta phát hiện một người có nói dối hay không bằng cách đo điện trở của da.

Tại sao toát quá nhiều mồ hôi?

Quá nhiều mồ hôi – thường là ở lòng bàn tay hoặc nách – đôi khi không phải do hoạt động thể chất quá nhiều mà người ta gọi là hiện tượng hyperhidrosis. Nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được làm rõ nhưng nó thường phát sinh khi có những điều kiện sau đây:

- Sự mất cân bằng nội tiết tố (ví dụ, thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ).

- Tuyến giáp hoạt động quá mức (Hormon tuyến giáp làm tăng chuyển hóa cơ thể và sản xuất nhiệt).

- Do một số loại thực phẩm và thuốc (ví dụ cà phê với lượng caffein cao).

- Có vấn đề với hệ thần kinh giao cảm (có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật).

Tác giả bài viết: Bạch Đằng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok