Trong nước

Tài sản lớn của gia đình Thứ trưởng Kim Thoa: Đáng lẽ Ủy ban Chứng khoán phải vào cuộc

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia tài chính - chứng khoán Đinh Thế Hiển cho rằng, cần làm rõ những nghi vấn về quá trình thâu tóm cổ phần tại Cty CP Điện Quang của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.

thu truong kim thoa
Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

Theo TS Đinh Thế Hiển, từ năm 2000 tới nay, thực tế trên thị trường chứng khoán, và quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đều khuyến khích người lao động công ty mua lại cổ phần. Trong đó có cả khuyến khích lãnh đạo công ty mua cổ phần doanh nghiệp không hạn chế, để bảo đảm việc làm cho người lao động và phát triển ổn định công ty. Quá trình này có sự giám sát, đánh giá của Sở Tài chính các địa phương và Bộ Tài chính.

Ông Hiển dẫn thực tế trên thị trường có nhiều công ty cổ phần khuyến khích lãnh đạo nắm cổ phần lớn, để nâng cao trách nhiệm với công ty. “Riêng với Cty CP Điện Quang, việc Thứ trưởng Bộ Công Thương nắm cổ phần lớn tại doanh nghiệp liệu có mượn sức Nhà nước, hay ưu ái để phát triển doanh nghiệp của mình hay không thì phải xem xét thêm”, ông Hiển nói.

Luật Chứng khoán cấm sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ. Vậy việc Thứ trưởng Thoa đang làm lãnh đạo công ty lại đẩy mạnh mua vào cổ phần chính công ty đó có gì sai luật không?

Ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, khi thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc công ty muốn mua vào cổ phiếu để tăng sở hữu của mình, phải công bố thông tin đó để mọi nhà đầu tư được biết. Vì khi lãnh đạo công ty mua vào với số lượng lớn sẽ đẩy giá cổ phiếu tăng, việc công bố trước sẽ hạn chế việc này bị trục lợi.

Tuy nhiên, khi lãnh đạo công ty đưa ra thông tin đơn vị đang gặp khó khăn khiến giá cổ phiếu giảm, sau đó các lãnh đạo tăng mua vào, hoặc họ hàng, người thân mua vào. Sau đó lại công bố thông tin ngược lại, công ty không vấn đề gì, khiến giá cổ phiếu tăng vọt, đó là những dấu hiệu bất thường, giá cổ phiếu tăng - giảm đột ngột thời gian ngắn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phải vào cuộc xác minh, xử lý. Quy định đã rõ ràng, nhưng vấn đề thực thi nghiêm túc không là chuyện khác.

Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa.

Theo thông tin chúng tôi có được, giai đoạn 2008-2009 có thông tin Cty CP Điện Quang gặp khó khăn lớn, khi đối tác Cuba nợ 1.000 tỷ đồng. Cùng thời gian này, bà Thoa (khi đó còn là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điện Quang) liên tục mua vào cổ phiếu công ty. Tới năm 2010, trước khi làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Thoa sở hữu tổng cộng hơn 1,68 triệu cổ phiếu, tương đương 4,91% vốn điều lệ của Điện Quang. Và khi bà Thoa làm Thứ trưởng Bộ Công Thương từ năm 2010, Điện Quang cũng đàm phán xong với đối tác về trả số nợ trên trong 6 năm sau đó. Sự việc này liệu có phải ngẫu nhiên?

Điều đó chúng ta có thể đặt nghi vấn. Xét về quy định, bà Thoa mua vào cổ phiếu Điện Quang không có gì sai. Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, khi có tin xấu với doanh nghiệp được đưa ra làm giá cổ phiếu giảm, và lãnh đạo công ty lại tăng mua cổ phiếu với số lượng lớn, sau một thời gian lại có tin tốt lên, làm giá cổ phiếu tăng, điều này Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải vào cuộc.

Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán chỉ vào cuộc kiểm tra với những biến động bất thường diễn ra trong khoảng thời gian ngắn từ 2-3 tháng. Còn sự việc kéo dài 1-2 năm cũng khó cho Ủy ban Chứng khoán. Dù vậy, rõ ràng thông tin trên đưa ra có tác động rất lớn, cần phải phân tích, lý giải tại sao không trả được, đặc biệt với công ty nhà nước vẫn còn cổ phần. Ngoài ra, bối cảnh Cuba giai đoạn đó cũng đa số là doanh nghiệp nhà nước, và mối quan hệ Việt Nam - Cuba luôn khăng khít, khó nói rằng Điện Quang sẽ không đòi được khoản tiền đó. Nhưng không hiểu sao thông tin đó đưa ra lại không được phân tích, đánh giá, xác minh.

Một thứ trưởng và người thân giữ cổ phần lớn tại doanh nghiệp kinh doanh trong ngành mình phụ trách quản lý. Như vậy liệu lãnh đạo có ưu ái doanh nghiệp đó?

Ở nước ta có thực tế, quy định thường theo sau thực tế. Với một doanh nghiệp quy mô lớn như Điện Quang, việc thứ trưởng phụ trách lại có cổ phần và người nhà nắm giữ chi phối sẽ làm cho các công ty khác không yên tâm. Như tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi nhậm chức, ông chuyển giao các doanh nghiệp của mình cho người khác và những doanh nghiệp của ông cũng như chính sách ông đưa ra sẽ được giám sát chặt chẽ.

Cảm ơn ông.

Chuyên gia tài chính - chứng khoán Đinh Thế Hiển cho rằng, cần rút kinh nghiệm những trường hợp như Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Dù bà Thoa không tác động gì, nhưng thấy công ty của lãnh đạo, các đối tác cũng phải ưu ái phần nào. Ở các nước phát triển, luật pháp chặt chẽ, rõ ràng, còn ở nước ta hiện nay khó có sự hành xử trắng – đen rõ ràng. Nên phải sửa quy định cho hoàn thiện, chặt chẽ, minh bạch hơn.

Tác giả bài viết: Phạm Thanh (thực hiện)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok