Kinh tế

Sửng sốt với bà Mai Thanh: Nữ đại gia “đáng gờm” nắm loạt công ty cấp nước

Không chỉ nắm giữ gần 36% vốn cổ phần Viwasupco, Cơ Điện Lạnh (REE) - doanh nghiệp gắn với tên tuổi bà Nguyễn Thị Mai Thanh còn đầu tư và hưởng lợi từ hàng loạt doanh nghiệp cấp nước lớn khác như B.O.O Nước Thủ Đức, Nước sạch Sài Gòn, Nước Tân Hiệp, Cấp nước Nhà Bè, Cấp nước Gia Định, Cung cấp nước Khánh Hoà.

Diễn biến cổ phiếu REE

Cổ phiếu REE của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh đang trong đà tăng phiên thứ 3 liên tục. Sáng nay (25/10), mã này tăng thêm 350 đồng (tương ứng 0,95%) lên 37.050 đồng/cổ phiếu. Trước đó, phiên hôm qua, REE tăng 1,1% và phiên 23/10 tăng 0,69%.

Khối lượng dịch tại REE thời gian gần đây khá khiêm tốn, thanh khoản bị thu hẹp đáng kể. Nếu mức trung bình khớp lệnh trong khoảng 3 tháng gần đây đạt hơn 1 triệu cổ phiếu/phiên thì con số này đã sụt giảm xuống còn phân nửa trong vòng 1 tuần vừa qua. Khớp lệnh sáng nay cũng chỉ đạt hơn 400 nghìn cổ phiếu.

Sửng sốt với bà Mai Thanh: Nữ đại gia “đáng gờm” nắm loạt công ty cấp nước - 1

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh

Thời gian gần đây, REE được quan tâm với tư cách là một trong hai cổ đông lớn nhất tại Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) với tỷ lệ nắm giữ lên tới 35,95%. Tuy nhiên, ngoài Viwasupco, REE còn là một “thế lực” đáng gờm trong lĩnh vực kinh doanh, cung cấp nước sạch.

Dữ liệu tại báo cáo tài chính bán niên 2019 của REE cho thấy, REE đang sở hữu một công ty con trong lĩnh vực cung cấp nước là Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Việt Nam với tỷ lệ sở hữu lên tới 99,97%.

Còn theo báo cáo thường niên năm 2018 của REE, ở mảng nước, REE đang đầu tư 750 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (nắm 35,95%); đầu tư 558 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần B.O.O Nước Thủ Đức (nắm 42,07%); 150 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nước sạch Sài Gòn (nắm 40%); 240 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Đầu tư Nước Tân Hiệp (nắm 32%); 109 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè (nắm 20,02%); 95% tỷ đồng tại Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định (nắm 20,05%) và 85 tỷ đồng tay Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức (tương ứng nắm 44,17%).

Nửa đầu năm 2019 này, REE có thêm khoản đầu tư 121,9 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Cung cấp Nước Khánh Hoà và chiếm tỷ lệ 24,85% vốn điều lệ công ty này.

Sửng sốt với bà Mai Thanh: Nữ đại gia “đáng gờm” nắm loạt công ty cấp nước - 2

Danh sách công ty liên kết của REE

Trong nửa đầu năm 2019, REE thu được 32,35 tỷ đồng thu nhập cổ tức từ Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (cùng kỳ là hơn 26 tỷ đồng). Công ty Cổ phần B.O.O Nước Thủ Đức mang về cho REE nguồn cổ tức 18,78 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái con số này lên tới 46,95 tỷ đồng).

Cổ tức REE thu được từ Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nước sạch Sài Gòn cũng tăng gấp đôi trong nửa đầu năm nay, lên 12 tỷ đồng (cùng kỳ là 6,75 tỷ đồng). Bên cạnh đó, REE phát sinh thêm khoản cổ tức 7,68 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Đầu tư nước Tân Hiệp.

Chưa hết, cổ tức mà REE thu được từ Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức là 3,57 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là 3,38 tỷ đồng); cổ tức từ Công ty Cổ phần Cấp nước Nhà Bè là 1,75 tỷ đồng (cùng kỳ là 1,52 tỷ đồng) và từ Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định là 1,9 tỷ đồng (cùng kỳ là 1,33 tỷ đồng).

Sửng sốt với bà Mai Thanh: Nữ đại gia “đáng gờm” nắm loạt công ty cấp nước - 3

Những doanh nghiệp cấp nước mà REE có cổ phần (tính đến cuối 2018 - theo Báo cáo thường niên)

REE được biết đến là doanh nghiệp gắn với tên tuổi của “nữ tướng” Nguyễn Thị Mai Thanh. Bà Thanh vẫn đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của REE và là cổ đông lớn nắm giữ 7,33% cổ phần; chồng bà Thanh - ông Nguyễn Ngọc Hải cũng là cổ đông lớn nắm 5,46%; con gái bà Thanh - Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh nắm 1,32% cổ phần.

Thị trường chứng khoán thận trọng trước mốc 1.000 điểm

VN-Index càng tiến sát trở lại gần mốc 1.000 điểm, thị trường càng diễn biến thận trọng. Trong sáng nay (25/6), các chỉ số hầu hết rung lắc quanh mốc tham chiếu còn thanh khoản lại duy trì mức thấp.

VN-Index tăng 1,83 điểm tương ứng 0,18% lên 995,43 điểm trong khi đó HNX-Index cũng nhích nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,06% lên 104,7 điểm. Mặc dù vậy, độ rộng thị trường lại nghiêng về phía các mã giảm. Có 305 mã giảm giá, 32 mã giảm sàn so với 252 mã tăng và 33 mã tăng trần.

Thanh khoản đạt hơn 86 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 1.871,38 tỷ đồng và 11,61 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 142,98 tỷ đồng.

Trong phiên sáng nay, chỉ số chính nhận được hỗ trợ đáng kể của một số mã lớn như SAB, VNM, CTG, VCB, BVH, VJC. Trong đó, SAB đóng góp 0,83 điểm cho VN-Index; VNM đóng góp 0,72 điểm, CTG đóng góp 0,38 điểm và VCB đóng góp 0,32 điểm. Ngược lại, MSN, HPG, HDB, VHM, MWG diễn biến giảm.

Trên HNX, PVS “cân” cả sàn khi mã này đóng góp hơn 0,1 điểm cho chỉ số và nhờ đó, chỉ số sàn này giữ được trạng thái tăng. Trong khi đó, các “ông lớn” như ACB, SHB, VCS mất hút vai trò trong phiên sáng nay.

Nhận định về diễn biến thị trường chung, Công ty chứng khoán SHS cho rằng, trong phiên giao dịch cuối tuần 25/10, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng đến vùng kháng cự 995-1.000 điểm.

Nhà đầu tư trung và dài hạn được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ danh mục để tận dụng xu hướng đang dần tích cực của thị trường. Còn nhà đầu tư ngắn hạn nếu đang nắm giữ danh mục có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể canh những nhịp kiểm định lại ngưỡng 1.000 điểm để bán chốt lời một phần.

Tuy nhiên, Công ty chứng khoán VDSC lại nhận xét, thị trường đang trong giai đoạn đi ngang và các mã cổ phiếu tăng giảm không đồng đều. Do đó VDSC khuyến nghị các nhà đầu tư nên tranh thủ lướt sóng các mã cổ phiếu đã tăng mạnh và đồng thời chuẩn bị chọn cho mình danh mục theo dõi các mã cổ phiếu cơ bản tốt để có thể giải ngân hợp lý trong thời gian tới.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok