Xã hội

Sức sống ở làng thanh niên lập nghiệp: Biến vùng đất khó thành miền đất hứa

Mặc dù Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã nhiều lần kiến nghị với các ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa xung quanh việc trẻ em sinh ra ở Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng không được cấp thẻ bảo hiểm y tế, cư dân làng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Gần 10 năm qua, những cặp gia đình trẻ ở Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng (xã Xuân Hòa, H.Như Xuân, Thanh Hóa), đã chung tay, góp sức biến vùng đất hoang vu từng được ví là cái rốn đựng gió Lào ở miền tây xứ Thanh trở thành vùng đất trù phú, xanh tốt.

Lúc này đây những gia đình trẻ ở Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ có trách nhiệm từ nhiều phía. Có được như vậy, những gia đình trẻ thanh niên nơi đây mới có thể “an cư” làm giàu trên vùng đất mới.

141 gia đình trẻ

Do nằm ở vùng rốn của gió nam Lào, nên từ bao đời, đây vẫn luôn được xem là vùng đất cằn khô của huyện miền núi này. Nhưng với quyết tâm lấy sức trẻ biến vùng đất khó thành miền đất hứa, 141 gia đình trẻ từ các huyện ở xứ Thanh đã quần tụ về ngày đêm mở đất. Đất chẳng phụ công người, giờ đây những quả đồi khô cằn chỉ có cỏ dại trước kia đã trở thành những đồi mía, sắn, cao su xanh bát ngát.

Năm 2011, khi mới 24 tuổi, vợ chồng anh Lê Bá Thức và chị Lương Thị Huệ khi lên Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng được giao 400 m2 đất ở và 3 ha đất sản xuất. Có đất, vợ chồng anh Thức không quản nắng mưa cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Sau khi chinh phục được cây mía, tạo nguồn thu trong ngắn hạn, vợ chồng anh mạnh dạn đầu tư trồng mới hàng ngàn gốc cam Vinh. Hiện cam đang phát triển tốt, sang năm 2018 sẽ cho thu hoạch.

Gần 7 năm trở thành công dân làng, anh Thức chia sẻ: “Ban đầu lên đây cũng gặp nhiều khó khăn vì đất canh tác mới, phải cải tạo nhiều. Qua những vụ đầu trồng mía năng xuất tốt, mỗi vụ cho thu hoạch từ 50 - 60 triệu đồng/ha, gia đình đã có của ăn của để. Cuối năm 2016, tôi quyết định vay mượn thêm tiền đầu tư hơn 1 ha cam Vinh để tạo nguồn thu lâu dài sau này”.

Còn vợ chồng anh Trịnh Khắc Bắc (31 tuổi) và chị Lê Thị Bình (30 tuổi) cho biết: “Chúng tôi có nhà, có đất để làm kinh tế. Tuy vất vả nhưng ở đây chỉ cần chăm chỉ là cuộc sống sẽ ngày một đi lên”. Theo anh Bắc, 3 ha đất canh tác của gia đình anh giờ hơn 1 ha đã phủ xanh cam, bưởi, còn lại đang tiếp tục trồng mía và sắn.

Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Theo đánh giá của Tỉnh đoàn Thanh Hóa, sau gần 10 năm lập làng, đến nay, nhiều gia đình đã có của ăn của để, đứng vững trên vùng đất khó ngày nào. Anh Hoàng Văn Thanh, Phó bí thư Tỉnh đoàn, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng, cho biết để có được những cánh đồng xanh tốt như ngày hôm nay, các hộ gia đình trẻ trong làng đều phải gắng sức vượt qua khó khăn lúc ban đầu. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa cũng thường xuyên đôn đốc, đấu mối, tạo điều kiện cho các hộ phát triển các giống cây mới đem lại thu nhập cao. Đến nay, do cây mía phát triển kém, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã đấu mối và xin được dự án phát triển kinh tế vùng miền núi để trồng 40 ha cam cho các hộ.

“Nếu không có gì thay đổi, sang năm 2018, cây cam sẽ trở thành nguồn thu chính và ổn định thay thế cây mía. Chúng tôi hy vọng, cây cam sẽ trở thành cây chủ lực của các hộ dân trong làng trong thời gian tới”, anh Thanh nói.

Trao đổi với chúng tôi, anh Thanh cũng cho biết hiện Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng cũng đang còn những khó khăn, tồn tại rất cần các cấp ngành liên quan nhanh chóng giải quyết. Theo anh Thanh, dù làng thành lập là thực hiện theo đề án của Chính phủ, cư dân làng được cấp đất ở, đất canh tác nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất giữa các bên để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); chưa thành lập được đơn vị hành chính thuộc xã Xuân Hòa, do vậy các chế độ chính sách của nhà nước, cư dân trong làng không được thụ hưởng. Trẻ em sinh ra ở làng không được cấp thẻ bảo hiểm y tế, công dân làng không được hưởng các chế độ của vùng đặc biệt khó khăn (Xuân Hòa là một trong những xã thụ hưởng chương trình 30a của Chính phủ), khó khăn trong vay vốn ngân hàng...

“Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị và đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo H.Như Xuân, Sở Tài nguyên - Môi trường triển khai cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân một phần do chưa thành lập được thôn. Hiện tỉnh đoàn cũng đã làm tờ trình, đề nghị thành lập thôn gửi Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa và các ngành, tuy nhiên không hiểu sao Sở Nội vụ vẫn chưa trình được Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết”, anh Thanh nói.

Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng được khởi công xây dựng từ năm 2008, trên diện tích 600 ha, tổng vốn đầu tư hơn 32 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành các cơ sở hạ tầng, quỹ đất, đã có 141 hộ gia đình trẻ được tuyển chọn, lên lập nghiệp, khai hoang. Mỗi gia đình được cấp 400 m2 đất ở, 3 ha đất đồi núi để trồng các loại cây, rau màu.

Tác giả: Minh Hải

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok