Kinh tế

Sức ép nào khiến Facebook buộc phải 'thu ở đâu, đóng thuế ở đó'

Động thái tuyên bố về thay đổi mô hình đóng thuế từ 2018 là cách Facebook xoa dịu dư luận sau khi hãng này nhận được nhiều cáo buộc từ chính phủ các nước về việc trốn thuế.

Kiếm được tiền quảng cáo từ nhiều thị trường trên thế giới những doanh thu của Facebook tới nay vẫn được chuyển về trụ sở tại Ireland trước khi đi vòng tránh thuế.

Giống như nhiều tập đoàn đa quốc gia khác, Facebook có con đường đóng thuế vô cùng lắt léo và áp dụng nhiều "mẹo" né thuế phổ biến để giảm tối thiểu lượng thuế phải đóng, đặc biệt là tại các nước mang về doanh thu cho hãng.

Lắt léo để tránh thuế

Là một tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ, khoản tiền thuế mà Facebook nộp cho nước Mỹ theo lẽ thường tình sẽ rất đáng kể.

Tuy nhiên số tiền thuế mà hãng đóng tại Mỹ, hay chính xác hơn là tại bang California, nơi phần lớn hoạt động điều hành của Facebook diễn ra, là một con số 0 tròn trĩnh.

Facebook cũng như nhiều tập đoàn đa quốc gia khác đang né thuế bằng những con đường lắt léo. Ảnh: Getty.

Doanh thu của Facebook trên toàn thế giới được điều hướng về trụ sở của hãng ở Ireland. Dù Facebook có thu tiền quảng cáo từ bất kỳ quốc gia nào, kể cả tại quê nhà Mỹ, doanh thu này cũng được điều hướng về trụ sở của hãng ở Dublin, Ireland, nơi có mức thuế doanh nghiệp 12,5%.

Vậy phải chăng Facebook chịu dư luận xấu khắp thế giới chỉ để đưa mức thuế về 12,5%, vốn cũng không hề nhỏ?

Facebook trên thực tế cũng không đóng quá nhiều thuế ở Ireland. Theo số liệu năm 2015, hãng chuyển 4,83 tỷ euro doanh thu về Ireland nhưng chỉ đóng 3,4 triệu euro, tương đương khoảng 0,08% doanh thu.

Sở dĩ Facebook nộp thuế thấp như vậy là vì thuế trên được tính theo lợi nhuận, và Facebook báo cáo với chính quyền Ireland hãng đang có lợi nhuận vô cùng thấp.

Kiếm tới 4,83 tỷ USD, những lợi nhuận của Facebook vẫn thấp vì hãng phải trả tiền tác quyền cho một công ty có tên Facebook Holdings Limited, một công ty được chính Facebook lập ra.

Công ty con Facebook Holdings Limited dù có trụ sở tại Ireland nhưng lại là pháp nhân đến từ Cayman Islands (lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh), một thiên đường thuế, nơi không đánh thuế tác quyền.

Đây chính là một trong những hình thức né thuế vô cùng phổ biến mà các tập đoàn lớn đang sử dụng. Đôi khi để lắt léo hơn, tác quyền được một công ty con tại Hà Lan nắm giữ và công ty tại Cayman Islands nắm 100% cổ phần, thêm một bước giúp khó truy thu thuế mà số tiền thuế phải đóng vẫn không tăng thêm đồng nào.

Sức ép nào khiến Facebook phải áp dụng cơ chế thuế mới?

Theo giới phân tích, động thái áp dụng cơ chế tính thuế "thu ở đâu đóng ở đó" từ năm 2018 của Facebook là nhằm xoa dịu dư luận. Rất nhiều chỉ trích đã nhắm tới mạng xã hội lớn nhất hành tinh khi hãng bỏ quá ít tiền đóng thuế dù doanh thu ngày càng lớn.

Tờ Los Angeles Times của Mỹ nhận định "thành quả lớn nhất mà Facebook đạt được chính là tối thiểu hóa lượng thuế phải nộp".

Dù là quê nhà của Facebook, Mỹ vẫn đang "bó tay" trong việc thu thuế mạng xã hội này. Ảnh: TDS.

"Điều lớn nhất mà Facebook đạt được không phải là bao nhiều vị phụ huynh đăng ảnh con họ vui đùa, bao nhiêu người bạn chúc mừng sinh nhật nhau mà chiến thắng lại nằm ở mảng tài chính bí ẩn", tờ này viết.

"Khi các công ty bắt đầu hái ra tiền, họ sẽ nghĩ nhiều hơn tới chuyện thuế", ông Steven Rosenthal từ Trung tâm Chính sách thuế Mỹ cho hay.

Facebook đã gặp không ít rắc rối với Sở Thuế vụ Mỹ về những khoản thu mà hãng này chuyển về Ireland. Sở này cho rằng Facebook đang bị tính thiếu thuế do khối tài sản hàng tỷ USD nằm ngoài lãnh thổ Mỹ. Nhiều chuyên gia thuế cũng nhận định việc chuyển hướng doanh thu về Ireland có thể giúp Facebook tiết kiệm hàng triệu USD tiền thuế mỗi năm.

Và mỗi lần có lùm xùm về thuế, Facebook lại đưa ra câu trả lời rất an toàn: "Facebook đã tuân thủ mọi quy định và luật lệ hiện hành tại các quốc gia mà chúng tôi hoạt động".

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất muốn Facebook nộp thuế một cách thích đáng hơn. Anh cũng đã có nhiều động thái để yêu cầu Facebook cũng như các tập đoàn đa quốc gia khác trả thuế đúng quy định, bao gồm cả việc ban hành luật mới có tên gọi luật Thuế chuyển nhượng lợi nhuận.

Luật này sẽ cho phép đánh thuế các doanh nghiệp trên lợi nhuận ước tính dựa theo doanh thu thay vì trên lợi nhuận mà các hãng tự báo cáo.

Tuy nhiên, đối trọng chính gây sức ép lên Facebook chính là Liên minh châu Âu EU. Khối này đã có nhiều biện pháp mạnh để buộc mạng xã hội lớn nhất hành tinh phải nộp thuế phù hợp.

Liên minh châu Âu EU là một trong những đối trọng gây nhiều áp lực nhất lên Facebook trong vấn đề thuế. Ảnh: Reuters.

Mười bộ trưởng tài chính EU, dẫn đầu bởi Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno le Maire, đã nhóm họp hồi tháng 9/2017 để yêu cầu những gã khổng lồ Internet như Facebook phải nộp thuế theo doanh thu thay vì theo lợi nhuận.

Giữa sức ép từ các nhà lập pháp và dư luận, Facebook đã chính thức thông báo sẽ bắt đầu nộp thuế cho doanh thu quảng cáo của hãng tại các nước sở tại thay vì điều hướng thu nhập về Ireland bắt đầu từ tháng 1/2018 và sẽ áp dụng hoàn toàn cơ chế này vào nửa đầu năm 2019. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng ở những nơi mà Facebook có văn phòng.

Quyết định này của Facebook được cho là sẽ khiến những gã khổng lồ khác như Apple hay Amazon phải sớm có động thái xoa dịu dư luận tương tự và rất có thể sẽ giúp chấm dứt cảnh những đơn vị bán lẻ của Anh hay nhiều quốc gia khác trả trung bình lượng thuế nhiều gấp 11 lần Amazon dù doanh thu khi đem so với gã khổng lồ thương mại điện tử là rất nhỏ bé.

Tác giả: Ngô Minh

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: Facebook

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok