Giáo dục

Sửa Thông tư 30: Đã chấm điểm sao còn ABC?

Ngay sau khi Dự thảo Thông tư 30 sửa đổi được Bộ GDĐT đưa ra lấy ý kiến, rất nhiều giáo viên đã ngỡ ngàng vì một số điểm không những không “giảm tải” mà có vẻ còn tăng thêm áp lực cho thầy cô và “rối” cho bố mẹ khi đánh giá về lực học của con.

Sửa thông tư 30: Xếp loại học sinh tiểu học theo A, B, C

Cụ thể, trong điều 4 về yêu cầu đánh giá có ghi rõ, các hình thức đánh giá gồm: Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhật xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.

Ảnh minh họa.


Như vậy, sau khi đánh giá thường xuyên bằng lời, giáo viên phải làm thêm động tác tổng hợp đánh giá thường xuyên theo các mức độ A, B, C với các tiêu chí tương ứng. Sau đó, kết thúc mỗi kỳ học, học sinh sẽ tiếp tục được đánh giá định kỳ kết quả học tập bằng bài kiểm tra thực hiện vào cuối kỳ. Bài kiểm tra sẽ được xác định theo các mức từ 1 – 4 (biết, hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao).

Điều đáng chú ý là trong bài kiểm tra giáo viên phải sửa lỗi, nhận xét và cho điểm theo thang 10, không cho điểm 0 và không cho điểm thập phân. Điểm của bài kiểm tra định kì không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Hết năm học, giáo viên tiếp tục xét hoàn thành chương trình học cho học sinh căn cứ vào tổng hợp đánh giá thường xuyên về học tập của từng môn học theo mức A, B, C và điểm kiểm tra cuối kỳ năm học.

Nhiều giáo viên cho rằng, những sửa đổi trên không làm giảm sổ sách cho giáo viên mà còn tăng thêm.

Cô N.T.N, giáo viên 1 trường tiểu học tại Tứ Kỳ (Hải Dương) cho rằng: “Việc đánh giá thường xuyên vẫn bằng nhận xét chỉ thêm bảng tổng hợp xếp loại theo tiêu chí A, B, C, sau đó cuối kỳ và cuối năm vẫn phải thi và đánh giá theo điểm số rồi lại lấy điểm số và xếp loại A,B,C để xét hoàn thành khóa học. Như vậy rất phức tạp, không giảm được khâu nào mà còn thêm việc cho giáo viên vì có quá nhiều hình thức đánh giá”.

Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Văn Lợi – giáo viên tiểu học tại Việt Trì (Phú Thọ) thì cho rằng: “Nếu như đã chấm điểm thì không cần quy đổi ra xếp loại A, B, C nữa hoặc nếu đã xếp loại A,B,C thì không cần chấm điểm nữa. Phụ huynh cũng chỉ cần 1 mức đánh giá để biết con mình đứng ở đâu thôi, như thế là quá rắc rối”. Cũng theo thầy Lợi, trong Thông tư có sửa thay sổ theo dõi bằng sổ tay giáo viên, thêm bảng đánh giá chất lượng cả lớp chẳng khác nào bảng điểm hàng tháng, như thế là thêm sổ sách chứ không bớt.

Trong khi đó, phụ huynh Nguyễn Thị Lan Hương (Đông Ngạc – Từ Liêm – Hà Nội) thì cho rằng: “Bộ GDĐT nên quy về một mối là đánh giá theo điểm A,B,C,D,F... như các nước trên thế giới đã làm không cần chuyển thành thang điểm 10 nữa. Việc học sinh nhận xét có vẻ quá hình thức không cần thiết vì ở độ tuổi tiểu học các cháu chưa đủ năng lực để đánh giá người khác. Còn phụ huynh đánh giá con mình cũng không khách quan, chỉ cần trao đổi liên lạc thường xuyên với giáo viên để biết năng lực của con mình đến đâu, cần tăng cường, khuyến khích điểm nào là được”.

Tác giả bài viết: Tùng Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok