Du lịch

Sự thật vụ tìm mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng ngoại cảm: Các chuyên gia lên tiếng

PGS.TS Bùi Văn Liêm đến dự hội thảo, nhưng nghe xong báo cáo diễn văn khai mạc, liền đứng dậy về luôn, vì ông không có thì giờ để nghe những thể loại nhảm nhí như cuộc tìm mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

>>Tìm mộ bằng ngoại cảm ở Hải Phòng: Mục đích của những kẻ tung tin đồn tìm thấy mộ Trạng Trình?
>>Vì sao 'nhà ngoại cảm' và các nhà khoa học khẳng định tìm thấy mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm?
>>Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Lời tiên tri kinh ngạc trong phần mộ
>>Đi tìm sự thật chuyện tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng


Kỳ 1: Vụ mộ cổ chỉ nghiên cứu dưới góc độ tâm linh

Sau loạt bài điều tra “Đi tìm sự thật chuyện tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng” , nhóm PV VTC News đã chứng minh được việc đào thấy ngôi mộ cổ ở Vĩnh Bảo và được đồn thổi là mộ Trạng ở nhà “nữ ngoại cảm” Bùi Thị Hiền (xã Cộng Hiền, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) có nhiều điểm phi lý.

Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt ra câu hỏi rằng chiếc thẻ tre ở đâu ra? Tại sao hiện vật tìm thấy lại gọi là quách? Tại sao PGS.TS Nguyễn Lân Cường cùng Viện nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người vẫn khẳng định là chiếc thẻ có chữ, như các thông tin đang lan truyền trên mạng hiện nay?

Mới đây nhất, ngày 17/2/2017, PGS.TS Nguyễn Lân Cường tiếp tục có bài viết đăng trên báo Công an nhân dân: “Thông tin thêm về việc phát hiện mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm”, nội dung xoay xung quanh chuyện chiếc quách gỗ ở trong nhà bà Hiền.

Bài viết có ghi: Tôi và họa sĩ Đào Ngọc Hân theo sự hướng dẫn bằng điện thoại di động của nhà ngoại cảm Trần Lệ Giang. Nhà ngoại cảm cho biết phải vớt quách ra, cạo lớp sơn ra ở đầu tấm ván địa mới tìm thấy chiếc thẻ… Ngay lúc đó nhà thư pháp Lê Thiên Lý (Hải Phòng) đã đọc được chữ Đạt (tên húy của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm), qua tấm ảnh chụp của tôi được phóng to. Sau đó chiếc thẻ được đưa về Hà Nội…

Để rộng đường dư luận, nhóm PV VTC News đã có buổi làm việc với bảo tàng Hải Phòng, cùng những nhà nghiên cứu, nhà sử học ở Hải Phòng, có mặt trong buổi hội thảo do Hội Khảo cổ học cùng với Viện Nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người tổ chức. Họ đã chia sẻ lại toàn bộ sự việc mà mình được chứng kiến, và chúng tôi đưa lên đây để bạn đọc có một cái nhìn khách quan nhất về sự việc.

“Câu chuyện ầm ĩ này cũng đã đến lúc kết thúc được rồi, tôi cảm giác mọi việc đều được dựng lên một cách có ý đồ”, ông Đỗ Xuân Trung, Phó giám đốc Bảo tàng Hải Phòng mở đầu trong cuộc gặp với một loạt phóng viên các báo.

Ông Trung cho biết, căn cứ theo luật di sản văn hóa, thì hiện vật thu được phải đưa ngay về cơ quan có chức năng bảo tồn và nghiên cứu, mà cụ thể trong trường hợp này là Bảo tàng Hải Phòng.

Thế nhưng, không hiểu sao một cá nhân chả có chuyên môn gì về khảo cổ là nhà văn Nguyễn Thụy Kha lại tự ý đến nhà bà Hiền cầm lấy và mang lên Hà Nội mất tích. Phải hơn 2 năm sau, tức là cuối năm 2016, chiếc quách mới lại xuất hiện và gây nên câu chuyện ầm ĩ như hiện nay.

“Về nguyên tắc, hiện vật khảo cổ khi đưa ra khỏi hiện trường lúc chưa có kết luận gì, thì nó không có giá trị. Trong sự việc này, bà Hiền mang đi rồi thời gian sau rộ lên, thì chính quyền xã cũng chả biết thế nào mà lần, vì biết đâu người ta mang cái gì về rồi bảo đào lên ở đấy, đúng không các bạn? Ví dụ, nếu như trong nhà tôi có đào được mộ, tôi không biết mộ cổ hay mộ hiện đại nhưng động tác đầu tiên là báo lên chính quyền đã, tiếp theo là yêu cầu chính quyền chuyển cái mộ này đi chỗ khác, vì đây là nhà tôi ”, ông Trung khẳng định.

22222 2053
Bài báo của PGS.TS Nguyễn Lân Cường

Nhà sử học Ngô Đăng Lợi kể lại, mảnh đất đào được mộ ấy trước là đất vườn của ông Trần Rường, nguyên Bí thư huyện ủy Vĩnh Bảo, sau để lại cho con trai là Trần Ròn và vợ là Bùi Thị Hiền. Lúc câu chuyện đồn thổi tìm thấy mộ Trạng ở xã Cộng Hiền rộ lên, ông Lợi có hỏi thì được ông Rường trả lời: “Đất nhà tôi tôi biết, chả có cái gì cả đâu…”.

Ông Nguyễn Bá Thanh Long – Phó Chủ tịch thường trực Hội Cổ vật Hải Phòng tỏ ra ngán ngẩm khi được hỏi đến: “Tôi cũng là người chứng kiến mọi chuyện, chưa cần nói đến chiếc thẻ tre, cứ thấy ông Nguyễn Lân Cường cùng với mấy nhà ngoại cảm của Viện nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người cho rằng đã tìm thấy mộ Trạng, cái quách tìm thấy ở nhà bà Hiền mà bảo tàng đang giữ là nơi chôn cất Trạng (Trong biên bản bàn giao cho bảo tàng thì quách dài hơn 80 phân, rộng hơn 15 phân), thì chả lẽ bậc thánh nhân như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mà lại phải để trong cái “hộp” bé tý thế. Con cháu lúc đi chôn làm cách nào để “ấn” di hài Trạng vào cho lọt cái hộp đó? Tôi khẳng định sự việc này là hoàn toàn ngụy tạo, không thể có chuyện như vậy.

Với lại, cụ Trạng an táng một cách bí mật, bao năm nay hậu thế không tìm thấy, lần này để bà Hiền tìm được và “sang cát” như vậy thì còn gì là giấu nữa. Xưa, quan lại rất sợ việc sau khi mình chết, người ta sẽ lại đào mồ đào mả lên. Con cháu cụ tìm hoài không thấy mà lại là một bà ngoại cảm vớ vẩn đào lên được. Việc này hoàn toàn vô lý”.

2 1562382287109590 1767458757 n 2054
Ông Long (bên trái) cùng PGS.TS Nguyễn Lân Cường bên hiện vật . Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc bảo tàng Hải Phòng khẳng định: Câu chuyện về chiếc quách tìm thấy ở Vĩnh Bảo, trước đến nay việc nghiên cứu chỉ toàn được triển khai bởi các nhà ngoại cảm, các nhà tâm linh, và mỗi mình PGS.TS Nguyễn Lân Cường. Chứ các nhà khoa học có chuyên môn hiện nay chưa có ai vào cuộc cả.

“Chốt lại, tôi cho rằng sự việc này hoàn toàn bịa đặt”, ông Phương chia sẻ.

Được biết, ngày 16/1/2017, Viện nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người kết hợp với Hội khảo cổ học “tự” tổ chức một buổi hội thảo ở hội trường Bộ tư lệnh bảo vệ lăng Hồ Chí Minh, và phát giấy mời một số nhà khoa học, trong đó có PGS.TS Bùi Văn Liêm – Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học – Viện hàn lâm khoa học Việt Nam, cùng mấy nhà khoa học ở Hải Phòng đến tham dự.

3img 20170219 202410 2055
4img 20170219 202348 2055
Báo cáo đề dẫn hội thảo

Báo cáo đề dẫn hội thảo khoa học của Viện nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người kết hợp với Hội Khảo cổ học có một đoạn giới thiệu như sau: Đặc biệt ngày 8/3 âm năm 2014 theo sự chỉ dẫn của vong cụ ông nhập vào cô Bùi Thị Hiền, người dân Hạ Đồng đã tìm được một quách màu đỏ có mùi thơm và trên các mặt có nhiều chữ Nho. Hài cốt được chuyển sang tiểu và an táng tại nghĩa trang, chiếc quách được cọ rửa, mất nhiều chữ và được chuyển về Hà Nội nghiên cứu…

“PGS.TS Bùi Văn Liêm nghe đúng cái báo cáo diễn văn khai mạc xong liền đứng dậy về luôn, bảo tôi không có thì giờ để nghe những loại nhảm nhí như thế này. Đọc đến báo cáo thứ 2 của hội thảo, đến lượt một số nhà khoa học ở Hải Phòng cũng bỏ về nốt. Bởi họ thấy cái hội thảo này toàn khẳng định sự việc dưới góc độ tâm linh, chả có tý gì là khoa học, hay công trình nghiên cứu khoa học gì cả”, ông Đỗ Xuân Trung, Phó giám đốc Bảo tàng Hải Phòng cho biết thêm.

Vậy, câu chuyện về tấm thẻ tre được cho là có chữ Mạc triều trạng nguyên như sự khẳng định của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, cùng với nhà thư pháp Lê Thiên Lý, thực sự là như thế nào? Chúng tôi sẽ có câu trả lời rõ nhất tới quý vị độc giả, qua lời kể của các nhân chứng và các chuyên gia khoa học đã trực tiếp chứng kiến sự việc ấy. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi kỳ sau.

Còn tiếp…

Tác giả bài viết: Hải Minh – Minh Khang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok