Ngày nay, cuộc sống và công việc của những geisha vẫn quyến rũ và phức tạp như khi nghề này mới hình thành vào 400 năm trước ở cố đô Kyoto (Nhật Bản).
Theo Hiệp hội Du lịch quốc gia của Nhật Bản, khoảng 273 geisha (hay còn gọi là geiko) và maiko (geisha học nghề) đang làm việc ở quận Gion của Kyoto. Du khách đến đây có cảm giác như được trở về thời Edo (1603-1868).
“Geisha” là ai?
Khi hỏi một geisha hay maiko “Cô là gì? Cô làm gì?” bạn sẽ không nhận được câu trả lời. Điều đó giống như việc hỏi họ có phải là người không vậy. Việc làm geisha thỏa mãn những đam mê tự nhiên nội tại, một phong cách sống không có gì để ngờ vực.
Một maiko duyên dáng ở Kyoto. Ảnh: Ikidane-nippon. |
Một maiko 16 tuổi ở Hiroshiama, một quán trà quận Gion, cho biết: “Năm 12 tuổi, tôi nhìn thấy một geisha và biết rằng đó là người tôi muốn trở thành”. Khi được hỏi cô đã thấy điều gì ở một geisha mà lại muốn làm nghề này, maiko trẻ tuổi đáp: “Tôi thấy vẻ đẹp”.
Hành trình trở thành geisha
Thông thường, khi muốn trở thành geisha, một cô gái phải dành tới bốn năm làm maiko học việc. Họ thường không về nhà dù không có luật cấm gặp gia đình. Đơn giản, việc học hỏi để trở thành geisha đã chiếm mất 18 tiếng một ngày, đam mê và lòng quyết tâm khiến họ dành toàn tâm toàn ý vào công việc.
Trước đây, geisha bắt đầu được đào tạo từ 3-4 tuổi. Ngày nay, các cô gái phải đi học cho tới lúc ít nhất 15 tuổi và tốt nghiệp cấp hai rồi mới được trở thành maiko. Phần lớn bắt đầu vào nghề sau khi học hết cấp ba hoặc thậm chí là đại học.
Một phụ nữ bước vào cộng đồng geisha không nhất thiết phải trở thành maiko, nhưng vẫn phải qua ít nhất một năm đào tạo. Phụ nữ trên 21 tuổi được cho là quá tuổi để trở thành maiko và sẽ bước vào nghề này với vai trò geisha.
Một màn biểu diễn ở trà quán. Ảnh: Ikidane-nippon. |
Ông Ishihatsu, chủ quán trà Hiroshiama cho biết: “Maiko có vẻ là một nghề hào nhoáng, vì họ được mặc những bộ kimono tuyệt đẹp, có cơ hội gặp người nổi tiếng và được chú ý, xin chụp ảnh cùng khi ra ngoài.
Tuy nhiên, những ai chỉ nhìn thấy mặt này sẽ gặp khó khăn do khoảng cách giữa lợi ích và thực tế. Họ thường không thể tiếp tục làm maiko. Thực tế là họ sống trong một cộng đồng với tôn ti trật tự hà khắc. Họ phải tuyệt đối tuân theo kỷ luật, cũng như nghiêm túc trong việc học các nghệ thuật truyền thống và phát triển kỹ năng mỗi ngày”.
Nghệ thuật giải trí geisha/maiko
Trong một buổi tiếp đón, geisha hay maiko sẽ cùng khách trò chuyện trước khi chơi một nhạc cụ ba dây có tên shamisen. Cô Tanefumi, một geisha ở trà quán Ishihatsu, cho biết: “Trình độ chơi nhạc cụ (đàn, sáo) là điều quyết định một geisha được mời đi dự tiệc thường xuyên hay không. Nói chung, càng nhiều tuổi, một geisha càng điêu luyện trong nghệ thuật biểu diễn các bộ môn truyền thống”.
Ở trà quán Hiroshiama, trong một bữa tối tám món, các geisha và maiko trò chuyện với khách trước khi chuyển sang chơi nhạc cụ và múa. Họ chuyển từ khách này sang khách khác, đứng lên ngồi xuống một cách duyên dáng, không chút gượng gạo.
Các geisha ngày nay có danh thiếp riêng. Ảnh: Japantimes. |
Các maiko và geisha có thể kết hôn, nhưng thường phải bỏ nghề. Việc đào tạo một geisha trong bốn năm tiêu tốn khoảng 500.000 USD. Điều đó khiến họ phải gắn bó với công việc này nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, trước khi được tự do.
Họ có một khoản lương hàng tháng để chi tiêu cho quần áo, ăn uống, chỗ ở và các sinh hoạt phí khác. Ngoài làm việc trong các trà quán, geisha có thể làm việc tự do. Như thế, họ không có hỗ trợ về tài chính, nhưng ít bị bó buộc hơn và có thể tự lựa chọn trong nhiều mặt.
Nhiều người cảm thấy thật khó hiểu khi ở thời đại này mà vẫn có những phụ nữ muốn làm geisha, thay vì trở thành bác sĩ, luật sư... Với các geisha và maiko ngày nay, lựa chọn nghề nghiệp này là biểu hiện cao nhất của nữ quyền. Bản thân họ chọn nghề này. Như maiko trẻ ở trà quán Hiroshiama, cô có vô số lựa chọn trong cuộc đời, nhưng lại chọn geisha vì nhìn thấy vẻ đẹp ở họ. Các geisha được cho là sống trong một thế giới riêng của sự thanh lịch và văn hóa - karyūkai (thế giới của hoa và liễu). Họ là những nghệ sĩ và được coi là hình thái hoàn hảo nhất của nghệ thuật tại Nhật.
Tác giả: Hoàng Linh
Nguồn tin: zing.vn