Cuộc sống

"Sự mù quáng ngu xuẩn": Để chồng đánh hết lần này đến lần khác và cho rằng đó là sự hy sinh vì con!

Hãy ngẫm mà xem: ôm bộ mặt lấm lem đầy máu khóc nức nở rồi đêm hôm đó, lại tiếp tục phục dịch gã vũ phu vừa đánh mình ban sáng, nếu các chị chịu đựng được thì tôi quả là phục các chị!

Một ngày lang thang mạng xã hội, khi tâm trạng đang ở phút cao trào bởi những thông tin gay cấn mới hé lộ từ bộ phim đang hot "Sống chung với mẹ chồng" thì bỗng tụt dốc không phanh khi xem trọn vẹn đoạn clip chồng đánh vợ dã man ngay trước mặt con gái trên phố Xã Đàn - Hà Nội.

Cảm nhận đầu tiên của bất cứ người xem nào có lẽ là sự phẫn nộ. Công Lý ơi, dù cho anh chỉ là một diễn viên hài, nhưng lúc đó anh đang ở đâu? Tại sao đứng trước cảnh một người phụ nữ chân yếu tay mềm bị một gã đàn ông to xác đánh đạp tàn nhẫn như vậy, người ta vẫn có thể thờ ơ đứng xem và quay phim lại? Động thái can thiệp tích cực nhất của một thanh niên đứng gần đó cũng chỉ dừng ở mức "đập tay đuổi ruồi", cốt để anh ta nguôi đi cơn giận mà tạm tha cho kẻ thù của mình. Một hành động mạnh để ngăn hành động nhục mạ người khác lại, để anh ta hiểu ra rằng thứ đang chịu trận dưới cánh tay hộ pháp của anh ta không phải một bịch bông gòn, mà là một con người bằng xương thịt, là xa xỉ quá ư?

Hình ảnh trong đoạn clip nổi tiếng mạng xã hội gần đây. (ảnh cắt từ clip)

Chua chát thay phận đàn bà! Người vợ chỉ biết khóc và cắn răng chịu đựng. Bên cạnh là một cô bé la thét sợ hãi trước thói cuồng điên của bố và nỗi đau của mẹ. Chỉ biết nén một tiếng thở dài. Tại sao ngay cả đến cách tự vệ cho bản thân trong trường hợp mình gặp nguy hiểm, người vợ tội nghiệp ấy vẫn không thể làm, cho dù là một hành động đáp trả yếu ớt?

Tôi không hiểu lý do của trận đòn trên là gì, càng không phải là quan tòa để đứng ra phán xử xem ai đúng, ai sai. Điều mà tôi muốn đưa ra bàn luận ở đây, đó là sự bình đẳng trong hôn nhân.

Vâng, xin thưa rằng, hành động sai nào cũng sẽ có bản án đích đáng của nó. Cho dù người sai là ai và phạm phải lỗi gì, cũng không đáng bị đối xử như một đồ vật. Hãy nhớ lại đi, trước quan viên hai họ trong ngày cưới, cánh tay chìa ra để anh chị luồn vào đó chiếc nhẫn và đọc lời thề chung thủy, đó là của một con người, chứ không phải là một con vật có 4 chân nào đó đâu. Vậy sau khi chung sống với nhau, chúng ta đã bị "tiến hóa ngược" chăng?

Tôi có một cô bạn, hiền lành, nhu mì, cả đời chỉ biết sống và hi sinh từng thú vui của mình cho chồng con. Cô tiết kiệm từng đồng mua áo cho mình chỉ để bữa cơm chiều hôm ấy, cả nhà có thêm một bữa tươi cải thiện. Cô sẵn sàng từ chối mọi lời mời đi tụ tập của bạn bè, đồng nghiệp, đôi khi chỉ vì lý do: chồng cô muốn vợ về sớm trông con cho anh ta đi đá bóng hay nhậu một bữa với đám bạn cả tuần chưa gặp. Thi thoảng, cô đến cơ quan với một bên mắt sưng húp, vài chỗ thâm tím trên cánh tay… Đương nhiên, lời giải thích cho những vết thương đó luôn là những lời nói dối: tớ bị ngã cầu thang. Cầu thang nhà cô ấy thật tệ, khi cứ vài ngày lại làm cho bà chủ "tan nát đời hoa" như vậy…

Cùng cảnh đàn bà, tôi hiểu phía sau đó không chỉ là những nỗi đau da thịt, nó còn là vết thương giày xé tâm can. Là phụ nữ, có mấy ai không muốn được chồng yêu thương, trân trọng. Nhưng vì nhiều lý do mà cô ấy luôn tìm ra cho mình được một động lực nào đó để tiếp tục chung sống và phục dịch người mà mới hôm trước thôi, còn "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với mình.

Thay vì đáp trả, người vợ chỉ biết khóc và cắn răng chịu đựng... (ảnh minh họa)

Có rất nhiều cuộc nói chuyện, khuyên giải được diễn ra nhưng chưa một lần phát huy tác dụng. Dường như trong suy nghĩ của của cô bạn tôi, việc làm "nô lệ" cho chồng cũng là một điều khoản trong giấy đăng ký kết hôn mà trong lúc mờ mắt, cô đã trót ký vào và chịu trách nhiệm với nó cho tới ngày nhắm mắt xuôi tay. Và chữ ký đó đã đưa cuộc đời của cô sang một trang hoàn toàn mới, tối đen như đời chị Dậu.

Đôi khi, tất cả những lời biện minh cho sự vũ phu của chồng đều bị mọi người bác bỏ, cô lại dùng tới quân bài cuối cùng:… vì con. Đó chỉ là chiếc phao cứu sinh của một người đang loay hoay đứng giữa dòng nước xiết, họ tìm thấy một cành cây nhỏ nổi lên mà cứ nghĩ mình đang bám vào một chiếc cọc chắc chắn.

Ở một khía cạnh khác, tôi lại từng được nghe một người con có bố mẹ ly hôn tâm sự, nếu biết trước kết quả, thì có lẽ điều đầu tiên họ làm sẽ là khuyên cả hai người chia tay nhau sớm hơn. Bởi nếu vậy, thì có lẽ họ sẽ không bị ám ánh bởi máu, bởi những trận đòn dã man của bố dành cho mẹ, họ sẽ không còn sợ hãi việc tin tưởng một ai đó, không hoang mang về hôn nhân như bây giờ. Họ sợ lây cả khi ai đó thốt lên từ "cố cam chịu vì con". Nếu thực sự vì con, đặt mình vào vị trí của những đứa con, chắc những người làm cha mẹ đáng thương đó sẽ không hành động như thế.

Tôi luôn trân trọng mọi sự hi sinh, đặc biệt là dành cho gia đình. Tôi thấy quá đỗi đáng yêu khi một bà mẹ tặc lưỡi trước một chiếc váy để nhặt thêm vào giỏ đồ một bộ ga gối mới cho chiếc giường ở nhà, thấy đời đẹp hơn trước cảnh một ông bố liếc vội đồng hồ vào giờ tan tầm, đến trường đón con sớm hơn mọi khi 10 phút, bỏ lại phía sau nhiều cuộc gọi nhỡ của bạn nhậu. Nhưng sẽ không đáng để gọi sự nhẫn nhịn khi bị đánh đập giữa đường phố là sự hi sinh - hi sinh vì con - hi sinh để con có cha mẹ đủ đầy... Thay vào đó, hãy gọi nó bằng cụm từ đúng nghĩa hơn: sự mù quáng ngu xuẩn.

Các chị ạ, bố mẹ đã sinh ra mình thông minh xinh đẹp, để mình đón nhận hạnh phúc. Kể cả khi không ai làm các chị hạnh phúc, hãy tự tạo ra hạnh phúc cho bản thân và hưởng thụ nó. Đừng phí nhan sắc, tài năng để rồi bị vùi dập bởi một người đàn ông không xứng với mình. Hãy ngẫm mà xem: ôm bộ mặt lấm lem đầy máu khóc nức nở rồi đêm hôm đó, lại tiếp tục phục dịch gã vũ phu vừa đánh mình ban sáng, nếu các chị chịu đựng được thì tôi quả là phục các chị! Thanh xuân có hạn, đừng phí hoài nó để rồi khi nó trôi qua lại tiếc!

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Tác giả: T.H

Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok