Bộ Tư pháp đang tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (gọi tắt là vũ khí).
Theo dự thảo, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sau khi được trang bị vũ khí phải quản lý, bảo quản tại kho, nơi cất giữ và làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng, giấy xác nhận đăng ký theo quy định và chỉ được sử dụng khi có giấy phép sử dụng hoặc giấy xác nhận đăng ký.
Kho, nơi cất giữ vũ khí phải được bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự, phòng, chống cháy, nổ; xây dựng phương án bảo vệ; có nội quy được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị vũ khí phê duyệt.
Kho vũ khí thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực quân sự. Kho vũ khí không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực an ninh.
Vũ khí được bảo quản trong kho, nơi cất giữ phải sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng theo từng chủng loại, nhãn hiệu. Trường hợp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để cùng kho, nơi cất giữ thì phải sắp xếp độc lập chứ không để chung.
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí phải lập hồ sơ, sổ sách theo dõi; khi sử dụng phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cho phép và ghi vào hồ sơ, sổ sách theo dõi; sau khi sử dụng phải bàn giao cho người được giao quản lý kho.
Trường hợp mất vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ hoặc xảy ra sự cố đối với kho, nơi cất giữ phải có văn bản báo cáo ngay cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý theo quy định.
Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí phải thống kê, ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi việc cấp phát, tiếp nhận, thu hồi, điều chuyển, điều động, chuyển cấp, hư hỏng, mất, sửa chữa vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và có biện pháp phòng chống han, gỉ, mối, mọt, ẩm, mốc, mất mát, cháy, nổ và các trường hợp nguy hiểm.
Góp ý vào dự thảo nghị định, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp cùng đề nghị không quy định về tổ chức bộ máy chuyên trách theo dõi công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công an cho biết đã tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo, bảo đảm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không quy định tổ chức bộ máy trong các văn bản quy phạm pháp luật không phải là văn bản về tổ chức bộ máy.
Dự thảo nghị định cũng đề xuất giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, VKSND Tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện việc trang bị, quản lý, sử dụng, sửa chữa, vận chuyển, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đã được trang bị cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ sử dụng trong nghiên cứu khoa học và công nghệ. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí cấp giấy phép quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ….
Tác giả: Kha Xuân Lộc
Nguồn tin: Báo Dân trí