Thế giới

Sự cố bí ẩn của giới ngoại giao Mỹ ở Cuba

Washington đã trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba sau khi một số nhân viên sứ quán Mỹ tại Havana gặp phải những triệu chứng chưa giải thích được về sức khỏe.

Tòa nhà sứ quán Mỹ tại Havana

Mối quan hệ ngoại giao mới được tái lập giữa Cuba và Mỹ đang đối mặt với thách thức sau một loạt sự kiện kỳ quặc, mang đậm màu sắc tiểu thuyết trinh thám, khiến một nhóm nhà ngoại giao Mỹ ở Havana lâm vào tình trạng bị mất thính lực nghiêm trọng.

Sự việc xảy ra từ mùa thu năm ngoái, khi nhiều nhân viên sứ quán Mỹ ở thủ đô Havana bắt đầu mất thính lực, trong số này có một số người vừa nhận lệnh điều động sau khi Tổng thống Barack Obama nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba vào năm 2015, theo tờ The Washington Post dẫn lời những nguồn thạo tin. Vài triệu chứng nghiêm trọng đến nỗi họ phải cắt ngắn nhiệm kỳ và quay về Mỹ điều trị. Đài CNN dẫn lời một quan chức giấu tên cho hay có vài người bị mất thính lực vĩnh viễn.

Truyền thông Mỹ đưa tin ngoại giao đoàn của nước này đóng tại một tòa nhà thuộc quyền sở hữu và bảo trì bởi chính phủ sở tại. Sau nhiều tháng điều tra, các quan chức Mỹ tạm thời kết luận nhóm nhà ngoại giao bị tác động bởi một dạng thiết bị âm thanh tối tân, hoạt động ngoài dải tần có thể nghe được ở người. Họ nghi ngờ loại thiết bị này đã được cài đặt ngầm bên trong hoặc ngoài dinh thự, nhưng chưa rõ đây có phải là một vụ tấn công có chủ đích hay không.

Trong khi đó, Reuters ngày 9.8 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết Washington đã trả đũa bằng cách trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba vào ngày 23.5. Bà Nauert không công bố tên tuổi lẫn số nhân viên bị ảnh hưởng, hoặc xác nhận những người này bị mất khả năng nghe, mà chỉ cho hay họ biểu hiện “nhiều triệu chứng sức khỏe khác nhau”. Tuy nhiên, AP dẫn một số nguồn tin tiết lộ có khoảng 5 nhà ngoại giao trở thành nạn nhân, một số người phải đeo máy trợ thính.

Trong hôm qua, chính phủ Cuba ra tuyên bố nhấn mạnh nước này “chưa hoặc sẽ không bao giờ cho phép các thế lực lợi dụng lãnh thổ Cuba để tiến hành bất kỳ hành động tấn công vào giới chức ngoại giao được công nhận và gia đình của họ”. Bộ Ngoại giao Cuba cho biết họ được thông báo về tình trạng bất thường ở sứ quán Mỹ vào ngày 17.2 và đã tổ chức “một cuộc điều tra ưu tiên, xuyên suốt, cấp bách theo chỉ thị từ cấp cao nhất của chính quyền Cuba”. Đồng thời phía Cuba cũng bày tỏ thái độ bất bình với vụ trục xuất hai nhà ngoại giao nước này, chỉ trích quyết định của phía Mỹ dựa trên sự phán xét “không công bằng và vô căn cứ”. Havana đã lập một ủy ban phân tích sự cố và tăng cường an ninh xung quanh đại sứ quán Mỹ cũng như nơi cư trú của phái bộ ngoại giao.

Đài CNN cho biết Cục Điều tra liên bang (FBI) và Cơ quan An ninh ngoại giao Mỹ đang phối hợp giới chức sở tại nỗ lực giải mã bí ẩn về những sự kiện kỳ lạ trên. Trong khi đó, một số quan chức giấu tên tiết lộ các nhà điều tra đang phân tích nhiều khả năng khác nhau, bao gồm giả thuyết đây là âm mưu nhằm phá hoại quan hệ ngoại giao của hai cựu thù thời Chiến tranh lạnh, do một nước thứ ba âm thầm lên kế hoạch. Thế nhưng, một số người cũng đặt nghi ngờ về khả năng này, một phần do chính quyền Havana luôn duy trì chính sách theo dõi an ninh chặt chẽ đối với các phái bộ ngoại giao.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, Washington và Havana đã nối lại quan hệ ngoại giao sau hơn 5 thập niên thù địch. Người kế nhiệm ông Obama là Tổng thống Donald Trump đã đảo ngược một phần chính sách với Cuba, nhưng vẫn giữ lại một số thay đổi quan trọng như tiếp tục mở sứ quán ở Havana.

Tác giả: Thụy Miên

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

  Từ khóa: ngoại giao , cuba , Mỹ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok