Tại đoạn G1 kè Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải)- nơi tiếp giáp giữa kè sông và kè biển Gành Hào- bị vỡ mái kè hàng trăm mét vuông trước Tết Nguyên đán chưa kịp khắc phục thì sóng biển 2 đêm qua tiếp tục phá vỡ. Theo đó, có gần 20 m mái kè bị sóng đánh vỡ. Khối bê tông nặng khoảng 6 tấn cũng bị sóng cuốn ra xa.
Tại hiện trường, mặt đường kè bị sụp, một số vị trí gần đó tiếp tục bị sóng xoáy lở và có dấu hiệu rạn nứt. Cầu Rạch Vượt nằm phía bên trong giáp với kè sông Gành Hào cũng bị sóng đánh sụp một bên móng cầu, làm gián đoạn phương tiện lưu thông qua lại. Nghiêm trọng hơn, khi đỉnh triều lên cao, sóng lớn đánh phủ qua đỉnh kè tràn nước vào bên trong khiến một số đoạn đường nội ô thị trấn Gành Hào bị ngập sâu, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây.
Gần đó, vợ chồng ông Trương Hoài Thơm và bà Trần Thị Diện lội bì bõm trong nước để thu nhặt lại những gì còn xài được. “Sống ở đây được 2 năm, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như vậy. Sóng cao tới đầu người, không có đường chạy, phải đi cửa sau, trèo hàng rào lánh nạn. Còn tài sản trong nhà coi như không còn một món gì. Ngoài chiếc xe máy hư hỏng còn sửa được, tivi, tủ lạnh… đều hư hỏng. Bàn, ghế, tủ giường… bị đánh nát bét, cả cái bàn thờ cũng bị cuốn trôi. Tài sản tích cóp bao năm trong phút chốt đã tan như bọt biển rồi mấy chú ơi…”, bà Diện buồn bã.
Ông Trung cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến triều cường, đê kè Nhà Mát và Gành Hào để chủ động ứng phó kịp thời, nhất là cao điểm đỉnh triều cường từ 12 đến 15-2. Riêng việc khắc phục các đoạn kè bị hư hỏng cần có phương án cụ thể, khả thi dựa trên tham vấn của các nhà khoa học và nguồn vốn thực tế của địa phương. Trong đó, các giải pháp thực hiện việc phá sóng từ xa bảo vệ lâu dài hệ thống kè sẽ được tỉnh Bạc Liêu chú trọng xem xét.
Kè đê biển Gành Hào và Nhà Mát là 2 tuyến kè tiếp giáp cửa biển lớn của tỉnh Bạc Liêu. Hai tuyến kè đê biển này có vai trò quan trọng chắn sóng, triều cường, bảo vệ cuộc sống dân sinh cho hàng nghìn hộ dân và hàng chục nghìn ha đất nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng màu.
Được biết, đây là lần thứ 3 trong hơn 1 năm qua Kè Gành Hào bị sạt lở sau 11 năm đưa vào sử dụng, và lần sạt lở này là nghiêm trọng nhất.
Tác giả bài viết: Duy Nhân
Nguồn tin: