Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) của gia đình nhà ông Lê Văn Quang - bà Chu Thị Bình giao dịch bổ sung 68,5 triệu cổ phiếu phát hành tăng vốn điều lệ. Số cổ phiếu này có trị giá khoảng 2.800 đồng tính theo giá cổ phiếu MPC đang được giao dịch trên Upcom.
Trước đó, MPC cũng đã nâng room ngoại lên 100% để tìm đường trở lại sàn chứng khoán.
Đây là bước tiếp theo mà nhà vợ chồng bà Chu Thị Bình thực hiện nhằm thoát khỏi tình cảnh công ty gia đình, trở thành công ty minh bạch để có thể hút vốn trên thị trường chứng khoán (TTCK) .
Thủy sản Minh Phú của vua tôm Lê Văn Quang vẫn ấp ủ giấc mơ doanh thu tỷ USD từ nhiều năm nay nhưng thiếu vốn để có thể mở rộng kinh doanh, trong khi sự bấp bênh của ngành thủy sản khiến các doanh nhân luôn lo sợ khi hoạt động dựa vào đòn bẩy tài chính quá nhiều.
Bài học của vua cá tra Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh còn đó. Doanh nghiệp này chìm trong nợ nần, cổ phiếu tụt giảm sâu kéo dài trong nhiều năm qua và vẫn loay hoay tìm lối thoát do vay nợ quá nhiều và đầu tư dàn trải.
|
Hiện tại, mức độ vay nợ của MPC không quá cao như HVG. MPC của nhà bà Chu Thị Bình có tổng nợ hơn 6,5 ngàn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 4,4 ngàn tỷ đồng vẫn thấp hơn khá nhiều tổng tài sản 9,5 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, quy mô vốn 700 tỷ đồng và hiện nâng lên thành gần 1,4 ngàn tỷ đồng và vốn chủ sở hữu ở mức gần 3.000 tỷ đồng vẫn là khá nhỏ bé so với vị thế của một doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Quyết rời sàn cách đây 2 năm đã không giúp Thủy sản Minh Phú có được một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong khi đó hoạt động kinh doanh liên tục suy giảm. MPC khi đó muốn bán cổ phần lớn hơn mức giới hạn 49%.
Giải pháp quay trở sàn hiện tại được xem là hợp lý bởi room ngoại hiện tại đã được phép nâng lên 100% và nó đáp ứng tính minh bạch - một điều tối quan trọng đối với các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán gần đây có nhiều diễn biến không thuận, điều chỉnh giảm mạnh từ đỉnh 1.204 điểm (ghi nhận hôm 9/4) xuống hiện chỉ còn 900 điểm. Nhiều doanh nghiệp gần đây gặp khó khăn trong việc huy động vốn do dòng tiền có xu hướng rút ra khỏi thị trường này.
Sau 2 năm làm ăn be bét khi rời sàn, MPC ghi nhận mức tăng khá ấn tượng trong 2017 với lợi nhuận tăng 8 lần lên hơn 640 tỷ đồng. Năm 2018, MPC đạt mục tiêu doanh thu 18.200 tỷ, lãi ròng 990 tỷ đồng; lần lượt tăng 8% và 38,6% so với thực hiện năm 2017.
Trên TTCK, khối ngoại vẫn đang bán ròng. Nhóm ngân hàng hồi phục khá mạnh như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Techcombank, MBBank,... giúp VN-Index tăng hơn 11 điểm trong phiên cuối tuần qua. Thanh khoản cũng tăng lên.
Nhiều CTCK dự báo thị trường vẫn chưa có tín hiệu hồi phục mạnh và vẫn đang trong quá trình tạo đáy.
BVSC cho rằng, với việc thanh khoản thị trường vẫn đang duy trì ở mức thấp, khả năng chỉ số VN-Index tạo đáy thành công và quay trở lại xu hướng tăng trong trung hạn chưa được đánh giá cao.
BSC nhận định trạng thái thị trường vẫn chưa có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ do tâm lý chờ thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh doanh quý II.
HSC cho rằng, VN-Index có thể sẽ sớm kiểm định lại mốc 890 và có khả năng trên 50% là VN-Index sẽ chọc thủng mốc này để kiểm định những mốc thấp hơn. Trừ khi thị trường có thể nhanh chóng phá vỡ mốc 920 với GTGD tăng. Xu hướng tiếp tục nghiêng về giảm phản ánh mức độ bất ổn cao ở vấn đề thương mại và tỷ giá trong bối cảnh cả đồng USD và CNY đang trên đường quay trở lại các mốc quan trọng. Đồng JPY cũng vậy. Do vậy hiện NĐT khó lòng quay trở lại và tự tin mua vào trên thị trường cơ sở.
Theo HSC, mùa công bố KQKD sẽ giúp NĐT giảm bớt một chút ảnh hưởng từ các nhân tố tiêu cực nêu trên.
Tuy nhiên, bất chấp triển vọng lợi nhuận ở các nhóm ngành chủ chốt như ngân hàng và BĐS tốt, thì điều này có lẽ sẽ không đủ để xoay chuyển xu hướng giảm hiện nay do ảnh hưởng áp đảo của các nhân tố vĩ mô và dòng vốn nước ngoài đối với tâm lý chung trên thị trường. Trên thực tế, tâm lý tiêu cực trên thị trường có thể được thể hiện rõ ràng ở việc NĐT bán khống trên thị trường phái sinh bất chấp rủi ro ở đây cao.
Kết thúc phiên giao dịch 13/7, VN-index tăng 11,21 điểm lên 909,72 điểm; HNX-Index tăng 2,08 điểm lên 102,51 điểm. Upcom-Index tăng 0,45 điểm lên 49,27 điểm. Thanh khoản đạt 180 triệu cổ phần. Giá trị đạt 3,4 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: V. Hà
Nguồn tin: Báo VietNamNet