Tổng thống Robert Mugabe duyệt đội danh dự Zimbabwe năm 2009. Ảnh: AP. |
Quân đội Zimbabwe ngày 15/11 bất ngờ điều xe bọc thép chốt giữ các vị trí trọng yếu ở thủ đô Harare và quản thúc Tổng thống Robert Mugabe tại gia. Dù lãnh đạo quân đội Zimbabwe không chịu thừa nhận đây là cuộc đảo chính, biến cố này có thể chấm dứt 37 năm nắm quyền của ông Mugabe.
Dưới sự trung gian của các đặc phái viên Nam Phi và lãnh đạo nhà thờ Zimbabwe, quân đội nước này đang tìm cách đàm phán với Tổng thống Mugabe nhằm đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực không có đổ máu, nhưng ông Mugabe vẫn kiên quyết không chấp nhận từ chức, đẩy đất nước vào một tương lai bất định với nhiều kịch bản có thể xảy ra, theo BBC.
Mugabe từ chức
Chỉ vài giờ sau khi tướng Sibusiso Moyo thông báo trên truyền hình rằng quân đội Zimbabwe đang tiếp quản quyền lực, có tin đồn Tổng thống 93 tuổi Mugabe sẽ sớm đưa ra tuyên bố chính thức trước toàn dân về việc từ chức.
Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra, khi Mugabe khẳng định ông vẫn là người cai trị hợp pháp duy nhất của đất nước và không chấp nhận từ chức trước cuộc bầu cử diễn ra vào năm tới. Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng Tổng thống Mugabe hiện nay có vị thế đàm phán rất yếu, nên việc ông từ chức vẫn có khả năng xảy ra rất cao.
Trong trường hợp Mugabe chấp thuận rút lui, cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa sẽ là người tiếp quản vị trí lãnh đạo đảng Zanu-PF cầm quyền. Nhiều người tin rằng việc ông Mugabe quyết định sa thải cấp phó Mnangagwa hồi tuần trước là "giọt nước tràn ly" khiến quân đội tiến hành binh biến.
Mugabe vẫn nắm quyền
Dù đang quản thúc ông Mugabe tại gia, các tướng lĩnh quân đội Zimbabwe vẫn gọi ông là "ngài tổng thống". Rất nhiều sĩ quan trong quân đội cũng như đảng Zanu-PF cầm quyền là các đồng minh thân cận của ông Mugabe kể từ khi ông lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Zimbabwe.
Tướng Chiwenga trao đổi với ông Mugabe khi ông bị quản thúc tại gia. Ảnh: News24. |
Theo nhiều chuyên gia phân tích, quân đội Zimbabwe không có hiềm khích gì với Tổng thống Mugabe. Điều khiến họ bất bình là nỗ lực thâu tóm quyền lực của Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe, người trong nhiều tháng qua tìm cách hạ bệ Phó tổng thống Mnangagwa để trở thành người kế nhiệm duy nhất của ông Mugabe.
Nick Mangwana, đại diện của đảng Zanu-PF tại Anh, nói rằng ông Mugabe vẫn có thể tiếp tục là Tổng thống trên danh nghĩa cho đến khi đảng này tổ chức đại hội toàn quốc vào tháng 12. Khi đó, ông Mnangagwa có thể chính thức được bầu làm chủ tịch đảng và trở thành lãnh đạo quốc gia mới.
Tuy nhiên, cũng có khả năng ông Mugabe vẫn tiếp tục giữ chức Tổng thống đến khi hết nhiệm kỳ và chỉ thoái lui khi người dân Zimbabwe bầu ra một nhà lãnh đạo khác vào cuộc tổng tuyển cử trong năm sau.
Mugabe tổ chức phản công
Theo bình luận viên Lebo Diseko, cuộc binh biến hiện nay không phải là một nỗ lực thay đổi chế độ ở Zimbabwe, mà chỉ là cuộc tranh chấp quyền lực nội bộ trong Zanu-PF, đảng vẫn có ảnh hưởng rất lớn trong quân đội. Quân đội Zimbabwe được coi là cánh vũ trang của đảng Zanu-PF.
Đệ nhất phu nhân gây tranh cãi của Zimbabwe. Video: BBC.
Ngoài các sĩ quan từng đi theo Mugabe trong nhiều năm, Tổng thống Zimbabwe còn nắm trong tay lực lượng Cận vệ Tổng thống, gồm những thành phần tinh nhuệ nhất và trung thành nhất trong quân đội.
Bởi vậy, ông Mugabe vẫn có thể tập hợp lực lượng để tổ chức một cuộc phản công nhằm dập tắt cuộc binh biến và giành lại quyền lực. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá rằng đây là kịch bản có khả năng xảy ra rất thấp.
Ông Mugabe đang bị quản thúc tại gia nên khó có thể hiệu triệu được sự ủng hộ của các binh sĩ, khi đài truyền hình, phát thanh đều đã bị quân đội kiểm soát. Doanh trại của lực lượng Cận vệ Tổng thống cũng đã bị các binh sĩ quân đội bao vây khi họ đưa lực lượng tiến vào thủ đô.
Khi tướng Constantino Chiwenga đưa ra lời cảnh báo về hậu quả của cuộc "thanh trừng" trong đảng Zanu-PF hồi tuần trước, khoảng 90 sĩ quan cấp cao quân đội đứng sau ông, thể hiện sự ủng hộ với tư lệnh lực lượng vũ trang. Điều đó cho thấy không còn nhiều sĩ quan sẵn lòng bảo vệ Tổng thống Mugabe trong hoàn cảnh hiện nay.
Mugabe buộc phải sống lưu vong
Trong trường hợp nội bộ đảng Zanu-PF và các tướng lĩnh quân đội không đạt được một thỏa thuận về chuyển giao quyền lực, hoặc một nỗ lực phản công thất bại, nhiều khả năng ông Mugabe sẽ phải rời bỏ đất nước và sống lưu vong.
Trong trường hợp này, Nam Phi là nơi khả dĩ nhất để ông Mugabe có thể tìm đến. Đây là đất nước nơi ông được người dân rất tôn trọng, phần lớn là nhờ sự ủng hộ của ông cho cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid trong quá khứ.
Ông Mugabe và vợ, bà Grace. Ảnh: AFP. |
Trong thực tế, đảng EFF đối lập ở Nam Phi đã kêu gọi chính phủ nước này "sẵn sàng chào đón Tổng thống Mugabe tị nạn chính trị". Gia tộc Mugabe được cho là đang sở hữu nhiều bất động sản ở Nam Phi.
Tuy nhiên, vợ ông là bà Grace có thể sẽ gặp một số rắc rối nếu xin tị nạn ở Nam Phi. Hồi tháng 8, bà bị tố cáo tấn công người mẫu Gabriella Engels trong một phòng khách sạn ở Johannesburg, nhưng sau đó được miễn truy cứu vì được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Mặc dù vậy, cô Engles đang tìm cách vận động để tòa án Nam Phi tước bỏ quyền miễn trừ này của bà Grace.
Nếu nỗ lực của cô Engels thành công, bà Grace có thể bị truy tố vì hành hung người khác nếu tới Nam Phi xin tị nạn. Trong trường hợp đó, gia đình Mugabe có thể chuyển tới các quốc gia khác như Singapore hoặc Malaysia, nơi họ cũng sở hữu nhiều bất động sản.
Tác giả: Trí Dũng
Nguồn tin: Báo VnExpress