Trong nước

Số phận những kẻ trộm chó và lời thỉnh cầu các nhà làm luật

Lại thêm một clip đánh kẻ trộm chó nữa được tung ra. Lần này người trộm chó bị nhốt trong cũi chó, với xác con chó nằm dưới chân.

Nghi là ăn trộm, "cô gái" bị cả làng lột áo giữa đường
Bắt được "cẩu tặc", dân bức xúc nhốt vào trong chuồng chó cùng tang vật

Người phụ nữ bị vây đánh, bắt đeo chó trộm vào cổ. Ảnh cắt từ clip.

Người đàn ông trông khá lực lưỡng, máu đỏ tươi lõa từ đỉnh chiếc đầu trọc xuống một bên mặt ròng ròng. Tay ông ta bị trói quặt sau lưng, nhưng đôi chân khỏe mạnh được tự do - một đôi chân rất khỏe mạnh. Trong những lời bàn tán của đám đông bên ngoài cũi, con chó nặng ba mươi mấy ký và anh ta đã vác nó chạy bộ.

Trước đây không lâu, dân mạng đã chuyền tay nhau một clip khác cũng về trộm chó.

Kẻ trộm là phụ nữ.

Tuy nhiên, giới tính không giúp gì cho cô.

Đoạn video bắt đầu với cảnh người phụ nữ bị còng tay lập cập ngồi lên yên sau chiếc xe máy. Một anh dân phòng giúp cô làm việc đó. Có lẽ để chở về đồn công an.

Tuy nhiên, cô vừa ngồi lên thì bị một người đàn ông trẻ kéo giật xuống khỏi xe. Cô khóc lên những tiếng nho nhỏ đầy sợ hãi và cố nhớm lên lại chiếc xe. Chưa vững thì một người phụ nữ tóc bạc kéo giật cô xuống lần nữa về phía ngược lại.

Một con chó khá to đã chết bị nhốt chung cũi với người đàn ông nghi trộm chó. Ảnh cắt từ clip được chia sẻ trên facebook hôm 19/11.

Lần thứ ba, mặc dù anh dân phòng vẫn đứng đấy và vẫn đang che chắn giúp cô trèo lên xe (một cách không quyết liệt lắm), cô bị kéo ngã quỵ hẳn xuống đất. Cô rú lên khóc. Rồi liên tiếp những bàn tay đánh vào người cô, vang lên tiếng chan chát.

Có tiếng hô: "Đeo con chó vào cổ nó". Nhiều bàn tay ấn một con chó lông đen xám có buộc sợi xích giữa hai chân sau lên lưng cô, dúi cô xuống, rồi quàng sợi xích ấy qua cổ cô. Khung cảnh trở nên rối loạn. Cô nằm vật dưới đất, hỗn độn giữa đám đông đang đá vào người.

Rồi có những tiếng đàn ông hô: "Bắt nó đi bộ, bắt nó đi bộ".

Cái xác con chó bị tuột ra trong lúc đám đông lao vào đấm đá kẻ trộm. Loang loáng nhộn nhạo, chỉ thấy những cái tay, chân liên tiếp giơ lên giã xuống. Hai anh dân phòng hoàn toàn bị phớt lờ và vô hiệu hóa. Cuối cùng, trên con đường có lẽ là đường làng, một đám đông hầu hết là đàn ông hò la, xô đẩy, dúi người phụ nữ đôi tay bị còng, tóc tai xổ tung, co rúm người đi về phía trước.

Không cần lời bình nào, đoạn video ngắn trên sẽ là minh họa điển hình về một cộng đồng hung bạo, hay mở đầu cho một bộ phim bạo lực.

Nó cũng là mô tả ngắn gọn nhưng hoàn hảo về một khoảng trống của luật pháp.

Trong phạm vi vụ việc này, pháp luật đã có dấu hiệu bất lực. Những bộ đồng phục của lực lượng giữ trật tự địa phương lẽ ra là dấu hiệu tối cao để người dân chấm dứt tranh chấp và hỗn loạn, đã mặc nhiên bị phớt lờ.

Có người nhận xét: Nếu mỗi người có trong tay một mũi giáo, đám đông ấy không khác gì thời trung cổ.

Chúng ta đang là chứng nhân cho sự leo thang siêu tốc của bạo lực. Nếu như một hai năm trước, tấm ảnh người trộm chó bị đốt cháy đen có thể gây nên chấn động và sợ hãi trong dư luận thì nay những clip đánh trộm chó đến chết đều có thể được chia sẻ với sự hả hê, phấn khởi.

Nếu máu đổ xuống được coi là sự báo thù công bằng thì công lý ở đâu?.

Cuối tháng 9 vừa rồi, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an nghi vấn "phải chăng có khoảng trống trong quy định của pháp luật", khi mà số vụ phạm pháp, trộm cắp ngày càng nhiều.

Đúng như ông Tô Lâm nhận xét, khoảng trống trong quy định của pháp luật hiện hành nằm ở chỗ hình phạt trực tiếp chưa đủ hiệu lực để trừng trị những kẻ trộm chó. Không đủ hiệu lực là vì khái niệm "trộm" không còn chính xác với hàng loạt hành vi hung hãn, có tính toán, có tổ chức, có hung khí và quyết phạm tội đến cùng của các cá nhân hoặc băng nhóm tội phạm này nữa.

Xét về hành vi, đó hoàn toàn đủ cấu thành nên tội cướp.

Đó là chưa kể với những gia đình nuôi chó và bị cướp, trị giá của con chó cưng mất đi hoàn toàn không nằm ở số tiền quy từ trọng lượng của nó. Đó là tình cảm như với một thành viên trong gia đình.

"Cả buổi chiều, con bé con khóc sưng mắt vì con chó bị bắt trộm. Tôi chỉ muốn đâm cái thằng cướp chó"- trên mạng xã hội, vô số người chia sẻ như vậy.

Một con chó quy ra tiền chưa đến 500.000 đồng không thể tạo nên những căm giận và phẫn nộ đỉnh điểm đến mức có thể giết người như chúng ta đã thấy. Đó là sự phun trào của cảm xúc, lẫn lộn giữa sự bất lực, nỗi sợ hãi khi không được pháp luật bảo vệ một cách đầy đủ và sự trả thù cho tình cảm yêu thương bị xúc phạm.

Những nhà lập pháp đã nhìn thấy sự bất cập này, do vậy một trong những nội dung được đưa ra để sửa đổi bộ luật Hình sự 2015 là xem xét lại trị giá tài sản bị trộm.

Do rất nhiều vụ trộm chó đành chịu không xử lý hình sự được vì định giá số thịt chó (!) chưa tới hai triệu đồng như quy định, nên dự thảo đề nghị xử lý hình sự cả những hành vi trộm cắp dù trị giá chưa tới con số trên "nhưng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội".

Điểm sửa đổi này khi được thực thi sẽ góp phần tăng hiệu lực của pháp luật với nạn cướp chó hiện nay. Thế nhưng vì sao nạn cướp chó - dẫn đến thiệt hại cả sinh mạng đã diễn ra suốt cả chục năm qua, (một phần) giải pháp cũng đã có mà việc thực hiện vẫn chậm chạp?

Trên mạng xã hội, một số luật sư đã đề cập đến việc phải có định chế về trộm cắp thú cưng. Thú cưng, nghĩa là con vật được nuôi để yêu thương thì không thể tóm lấy đặt lên cân rồi quy ra tiền để bắt phạt được.

Tuy nhiên, theo tôi ý kiến này chưa đủ vững. Vì bọn cướp chó cướp rất đa dạng, cả cưng lẫn không cưng, chúng đều không tha. Cưng thì cướp để chuộc tiền, không cưng thì "mần" thịt. Nếu chỉ đặt nặng việc cứu thú cưng sẽ bó tay với tình trạng cướp chó cỏ nuôi để giữ nhà ở nông thôn.

Một chuyên gia pháp luật (giấu tên) đề nghị thực hiện chế định Sắc lệnh trong trường hợp này.

Sắc lệnh được hiểu nôm na là một quyết định do người đứng đầu bộ máy nhà nước ban hành để giải quyết kịp thời những trường hợp cấp thiết.

Với quyền hạn của người đứng đầu nhà nước, sắc lệnh tỏ ra là biện pháp phù hợp để kịp thời điều chỉnh những tình thế cấp thiết, gây ảnh hưởng lớn trong xã hội mà quy trình làm luật của Quốc hội không thể đáp ứng được.

Như thực tế đã chứng minh, muốn sửa đổi một nội dung trong bộ luật cần phải huy động cả một bộ máy lập pháp để điều tra, thẩm định, soạn thảo, lấy ý kiến các ban ngành liên quan, quay trở lại tiếp tục sửa, hoàn tất dự án Luật rồi mang ra trình Quốc hội trong các kỳ họp chính thức.

Thế nhưng kỳ họp chính thức chỉ diễn ra hai lần/năm, với vô số bộ luật quan trọng phải ban hành. Thực tế đã có không ít bộ luật rất thiết thực mà còn phải nằm chờ, huống gì đến cái yêu cầu nghe rất nhỏ nhoi là "Xử lý trộm chó".

Song khi bạo lực ngày càng gia tăng một cách thản nhiên thì việc xử lý trộm chó không còn đơn thuần chỉ là việc trừng trị một kẻ trộm cắp nữa. Đúng như Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhận xét, đã nảy sinh "luật rừng", "chưa kể tình trạng người dân mất lòng tin vào bộ máy chính quyền".

Hiện tại, hệ thống quy phạm pháp luật không còn sự tồn tại của Sắc lệnh; trong phạm vi quyền hạn của Chủ tịch nước chỉ còn có "Lệnh" và "Quyết định".

Tính chất quyền lực của "Lệnh" không mạnh mẽ bằng Sắc lệnh, nhưng việc khôi phục chế định này hoàn toàn nằm trong tay Quốc hội. Và đó cũng là một gợi ý khả thi cho việc nhanh chóng xử lý những yêu cầu cấp bách và khôi phục niềm tin của người dân vào hiệu quả của bộ máy bảo vệ trật tự trị an.

Tác giả bài viết: Hoàng Xuân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok