Một buổi chiều tháng 3/2019 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bà Nguyễn Thị Hữu (Yên Thành, Nghệ An) với nước da ngăm đen, ngồi bất động nắm chặt tay người phụ nữ trên giường bệnh là con gái bà - Phạm Thị Sáu.
Cụ bà 70 tuổi gục đầu xuống như đang cầu mong một "phép màu" sẽ đến với họ. Lâu rồi bà không nhoẻn miệng cười. Ánh mắt bà lúc nào cũng đượm buồn và thâm quầng cũng bởi lâu rồi bà không có lấy một giấc ngủ trọn vẹn.
Con gái bà nhìn già hơn so với tuổi 32 tuổi, thân hình gày gò, cân nặng chỉ gần 40 kg.
Chị Sáu nhập viện ngày 26/2, sau khi bị triệu chứng đau quặn bụng. Bác sĩ chẩn đoán chị bị tắc ruột và phải mổ gấp, kèm tạo hậu môn giả. Và nếu có tiền, thì đây sẽ là lần thứ 5 chị phải thực hiện phẫu thuật.
Hai mẹ con chị vẫn nhớ như in cái ngày tai họa bất ngờ ập xuống. Hôm đó là ngày cuối tháng 10/2016, khi đang làm công việc may, đột nhiên chị thấy quặn bụng, co thắt từng cơn và đi ngoài nhiều lần. Chân tay chị rã rời, đi không vững khi nghe thông báo của bác sĩ về căn bệnh
Biết tin con gái bị bệnh, dù nước mắt cứ chực chờ tuôn ra, nhưng bà Hựu cố kìm lại. Nhà nghèo, cơm ba bữa còn không đủ, nhưng bà Hữu quyết định chạy chữa bằng mọi giá chỉ cần con gái được sống và sống khỏe mạnh. Thế là, 2 người phụ nữ, một già, một trẻ, đưa nhau đến bệnh viện, với hy vọng mọi chuyện sẽ qua đi.
Hai mẹ còn bà Nguyễn Thị Hựu và chị Phạm Thị Sáu động viên nhau cùng vượt qua khó khăn và cầu mong một phép màu đến với họ. (Ảnh: Phạm Quý) |
Ba năm, 4 lần phẫu thuật vẫn không khỏi bệnh
Đây không phải lần đầu tiên chị Sáu vào viện, chị từng trải qua 4 lần phẫu thuật cũng vì căn bệnh trên. Lần đầu tiên là vào đầu năm 2017. Nhưng sau phẫu thuật thời gian ngắn, căn bệnh cũ lại tái phát. Mỗi lần như vậy, gia đình vốn đã nghèo càng trở nên kiệt quệ hơn.
"Bốn lần mổ là bốn lần tôi như mất đi khúc ruột, đau đớn, hy vọng rồi lại chơi vơi. Thương con tôi chỉ biết cắn răng chịu đựng miễn sao cho con khỏi bệnh", bà Hựu chia sẻ.
Bác sĩ Vũ Xuân Vinh – bác sĩ khoa phẫu thuật Cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, chị Sáu bị tắc ruột sau mổ, đau bụng, nôn, không ăn uống được.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được dùng kháng sinh, kiêng ăn và theo dõi tình trạng bệnh. Đến nay vấn đề tắc ruột của bệnh nhân đã được đỡ hơn, không còn đau hay nôn nữa, ăn uống được.
Sắp tới, bệnh nhân cần phẫu thuật nối lại hậu môn nhân tạo để sinh hoạt dễ dàng hơn. Nhưng quá trình điều trị tiên lượng sẽ kéo dài và rất tốn kém. Hơn nữa, do đã trải qua nhiều lần phẫu thuật nên thể trạng người bệnh rất kém. Để đảm bảo, các bác sĩ phải theo dõi thêm về sức khỏe cũng như tình trạng ruột mới mổ được cho bệnh nhân.
Thương mẹ già, cô gái hơn 30 tuổi quyết "ở vậy"
Giọng nói run rẩy, thều thào, yếu ớt, bà Hựu vừa khóc vừa kể về số phận của hai mẹ con.
Sáu là con út trong 6 người con của bà và chồng là Phạm Ngọc Thạch. Các con của bà đều yên bề gia thất, chỉ còn mỗi chị Sáu cứ "bám riết" lấy cha mẹ.
Ông Thạch là chiến sĩ từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Thành Cổ Quảng Trị đầy bom đạn. Rời chiến tuyến, ông trở về nhà với mong muốn có cuộc sống vui vẻ trong căn nhà nhỏ cùng vợ và con thơ. Hạnh phúc chẳng bao lâu, năm 2011, chồng bà ra đi vì căn bệnh ung thư phổi quái ác. Chị Sáu khi đó còn chưa trưởng thành.
Quên đi nỗi đau, hàng ngày hai mẹ con bà Hựu sống dựa vào mấy sào ruộng mà chẳng đủ ăn.
Nhà nghèo, lại neo người, thương mẹ vất vả, chị Sáu sớm phải đi làm thuê cho một công ty may gần nhà, phụ giúp mẹ trang trải cuộc sống. Công việc vất vả, số tiền nhận hàng tháng cũng chẳng được là bao, nhưng chị vẫn vui vẻ hạnh phúc, nhẹ lòng khi phần nào giúp mẹ có tiền trả nợ.
Bước sang tuổi 30, chị Sáu nhận không ít ngỏ ý của nhiều chàng trai muốn nên duyên cùng chị, nhưng rồi sợ mẹ tuổi cao sức yếu không ai chăm sóc, nên chị chấp nhận "ở vậy".
Đôi mắt thẫn thờ của bà Hựu sau bao đêm phải thức trắng để trông con. (Ảnh: Phạm Quý) |
Người mẹ già: "Tôi kiệt quệ rồi"
Bốn lần phẫu thuật cho con là từng ấy lần bà Hựu đôn đáo đi vay mượn, số tiền cũ chưa trả hết lên đến hàng trăm triệu; nay con gái bà chuẩn bị bước vào lần phẫu thuật thứ 5, bà chẳng biết lấy tiền đây ra, trong túi bà chỉ còn 10 triệu cũng là số tiền mới vay được.
“Cứu con bà tôi đã phải tới gõ cửa hầu hết các gia đình trong làng xóm. Thương cho hoàn cảnh của hai mẹ con, người cho vay ít người cho vay nhiều, gom góp lại được 10 triệu. Hôm nhập viện lẽ ra phải đóng cả, nhưng vì bác sĩ thương nên bảo trước tiên chỉ cần đóng 5 triệu thôi, còn 5 triệu tôi giữ lấy để ăn uống, sinh hoạt", bà Hữu kể.
"Tôi kiệt quệ rồi, chắc chỉ còn nước bán nhà, chứ xin ai, vay ai", bà Hựu òa khóc trong tuyệt vọng.
Bà Hựu luôn động viên cố gắng dù có bất cứ chuyện gì xảy ra. (Ảnh: Phạm Quý) |
Thương mẹ, chị Sáu chỉ biết nằm khóc và cầu mong một phép màu đến với mình. Chị muốn sức khỏe nhanh hồi phục, kiếm tiền trả nợ cho mẹ. "Rồi tương lai, hoài bão mơ ước, mọi thứ của tôi đều dang dở", chị Sáu bật khóc.
Mọi tấm lòng hảo tâm xin liên hệ: Bà Nguyễn Thị Hựu – Mẹ bệnh nhân Phạm Thị Sáu. Địa chỉ: xóm Bắc Lĩnh, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Số điện thoại: 0379328189 |
Tác giả: PHẠM QUÝ
Nguồn tin: Báo VTC NEWS