Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (FLC), Chủ tịch Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS), hiện là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản lên tới hơn 37.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1,6 tỷ USD.
|
Tất cả khối tài sản kếch xù này của ông Trịnh Văn Quyết đều đến từ số lượng cổ phiếu ông nắm giữ trên sàn chứng khoán. Trong đó, đóng góp hơn 97% trong tổng số 1,6 tỷ USD tài sản hiện tại của ông Quyết là giá trị từ 318,5 triệu cổ phiếu ROS, tương đương 67,34% vốn ông nắm giữ tại FLC Faros. Phần còn lại đến từ hơn 144,1 triệu cổ phiếu FLC (22,6% vốn) và 630 nghìn cổ phiếu ART (4,67% vốn) tại công ty chứng khoán này.
Cái tên của đại giaTrịnh Văn Quyết mới chỉ xuất hiện trên sàn chứng khoán từ tháng 9/2016, khi FLC Faros (tiền thân là CTCP Xây dựng Faros) niêm yết trên sàn chứng khoán và sở hữu đà tăng phi mã hàng chục phiên liên tục.
ROS tăng trần hàng chục phiên liên tiếp, có lúc đẩy khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết lên vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng.
Trong mắt nhà đầu tư và các chuyên gia trong lĩnh vực này, ROS vẫn được xem là hiện tượng "kỳ lạ" của sàn chứng khoán, khi một công ty có tổng tài sản khoảng 8.000 tỷ đồng, trong đó 4.300 tỷ đồng là vốn góp của chủ sở hữu, lại có vốn hóa thị trường lên tới hơn 51.500 tỷ đồng.
Không những thế, kết quả kinh doanh của FLC Faros những năm trước đó cũng không quá nổi bật. Lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh chính là xây dựng mà chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính.
Năm 2014, Faros mang tới 96% tổng tài sản đi đầu tư tài chính, năm 2015 là 74% và năm 2016 giảm còn 32%. Năm 2016, kết quả kinh doanh của FLC Faros tăng cao kỷ lục, đạt 470 tỷ đồng lãi ròng, ROA vào khoảng 5,7% và ROE là 9,5%.
Tính đến hết tháng 6/2017, FLC Faros vẫn dành hơn 32% tổng tài sản mang đi đầu tư tài chính. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Hiện tại, thị giá của ROS lên tới 113.000 đồng/cổ phiếu (1/9), trước đó, có thời điểm ROS còn tiến sát ngưỡng 160.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này cao hơn rất nhiều những ông lớn khác trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản.
Trong khi ROS thăng hoa thì cổ phiếu doanh nghiệp chủ đạo của ông Quyết là FLC phải ngụp lặn dưới mệnh giá từ nhiều năm nay.
FLC là tập đoàn bất động sản cỡ lớn trên thị trường hiện nay với nhiều dự án tầm cỡ, tổng tài sản lên đạt trên 20.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần ROS, trong đó vốn điều lệ là 6.380 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn hóa của tập đoàn này chỉ vỏn vẹn chưa tới 5.000 tỷ đồng.
Năm 2015, FLC đã chuyển từ chính sách cổ tức tiền mặt sang cổ phiếu. Điều này đã không nhận được sự đồng thuận của cổ đông doanh nghiệp này. Cùng với sự tụt dốc của cổ tức, thị giá FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết cũng liên tục giữ xu hướng giảm dần.
Cổ phiếu FLC đã giao dịch dưới mệnh giá từ hơn 2 năm gần đây. |
Từ ngày chào sàn 5/10/2011, FLC được giao dịch với giá 16.200 đồng/cổ phiếu, có thời điểm, thị giá lên tới 43.000 đồng/cổ phiếu (tháng 3/2012). Đến nay, thị giá FLC chỉ còn được giao dịch dưới giá trị sổ sách ở mức hơn 7.000 đồng/cổ phiếu, bằng 1/16 ROS.
Mới đây, cổ phiếu ART của Công ty Cổ phần Chứng khoán Artex, nơi tỷ phú Quyết nắm giữ 4,67% vốn, cũng đã niêm yết trên sàn chứng khoán. ART sau đó cũng có những phiên tăng trần liên tiếp từ mức chào sàn 5.000 đồng/cổ phiếu lên tới mức 41.800 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 28/8. Tuy nhiên, ART bất ngờ quay đầu lao dốc giảm trần trước thông tin phát hành thêm cổ phần, hiện có giá 27.100 đồng/cổ phiếu.
Ngoài những cổ phiếu nắm giữ hiện tại, một mã cổ phiếu liên quan tới FLC và ông Quyết chính là KLF của CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF. Công ty này trước đây có tên là Công ty cổ phần Liên doanh đầu tư Quốc tế FLC, hiện FLC đang sở hữu 14,76% vốn.
Cũng giống với các doanh nghiệp liên quan tới vị tỷ phú này, KLF cũng có quá trình tăng vốn chóng mặt, từ mức 5 tỷ đồng (2009) lên 1.654 tỷ đồng hiện nay.
|
Nhắc đến KLF, giới đầu tư chứng khoán vẫn nhẩm cái tên “siêu phẩm đầu cơ”. Lý do đây là cổ phiếu hiếm hoi nhất chứng kiến cả 50% vốn cổ phiếu được “sang tay” trên sàn chỉ trong 3 phiên sau khi tăng giá gần gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn đạt 20.000 đồng/cổ phiếu. Trong 2 tuần giữa tháng 11/2014, khối lượng giao dịch cổ phiếu KLF ít nhất mỗi phiên đạt 18,8 triệu đơn vị, riêng ngày 11/11/2014 có gần 38 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tuy nhiên, chỉ không lâu sau khi niêm yết, KLF đạt giá xấp xỉ 20.000 đồng/cổ phiếu, hàng loạt cổ đông bắt đầu thoái vốn chốt lời. Kể từ đây, KLF bắt đầu rơi tự do xuống dưới mệnh giá xuống chỉ trên 2.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài việc các cổ đông lớn thoái vốn hàng loạt, kết quả kinh doanh của KLF khi đó cũng chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, là chuyển nhượng các khoản vốn góp, lãi cho vay hay ủy thác đầu tư. Điều này khiến giới đầu tư nghi ngại ROS có thể sẽ đi vào vết xe đổ của KLF, khi có giai đoạn kết quả kinh doanh cũng phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động tài chính.
Hiện tại, KLF chỉ được giao dịch quanh mức giá 3.000-4.000 đồng/cổ phiếu và không có đà thúc đẩy trở lại.
Tác giả: Quang Thắng
Nguồn tin: zing.vn