Giáo dục

Sợ nhà vệ sinh trường bẩn, con nhịn tiểu, nhịn luôn cả uống nước

Nhiều phụ huynh thực sự lo lắng trước thực tế con nhịn tiểu ở trường, thậm chí nhịn luôn cả uống nước chỉ bởi khiếp đảm nhà vệ sinh ở trường quá bẩn và hôi thối.


20160808091429 nvs2
Ảnh minh họa. giadinh.net.vn.

Nói về chuyện con sợ vào nhà vệ sinh của trường vì quá bẩn, chị Lê Thái Vân (Vĩnh Phúc) cho biết, không ít lần chị thấy cảnh con “nhịn” tiểu và chỉ đợi về đến nhà là lao ngay vào nhà vệ sinh giải quyết. “Con giải thích nhà vệ sinh của trường quá bẩn, con không dám đi ở đó”, chị Vân chia sẻ.

Chị Nguyễn Hoa (Hà Nội) kể: “Lần nào đi họp phụ huynh cho con, mình cũng cố tình đi vào khu vực vệ sinh xem sao. Khu nhà vệ sinh của các giáo viên thì không đến nỗi nhưng lượn đến chỗ vệ sinh của các con thì thôi rồi, bẩn đến nỗi không dám bước vào luôn. Nhìn chỗ bồn rửa tay thôi cũng thấy chắc phải đến cả tháng không có người cọ rửa”.

Quá kinh hãi, chị Hoa gặng hỏi việc đi vệ sinh của con ở trường ra làm sao thì mới biết con cũng có cách khắc phục. “Hoá ra con cũng biết lén lên khu nhà vệ sinh các giáo viên để đi. Trường con mình học “tiêu chuẩn thành phố” mà còn thế này, không biết các trường khác thì như thế nào nữa”, chị Hoa bức xúc.

Có con 4 tuổi đang đi học trương mẫu giáo, chị Nguyễn Thị Luật (Bắc Ninh) cũng phàn nàn: “Con mình đi học rất sợ đi vệ sinh vì mùi bẩn. Cháu 4 tuổi nhưng cũng đã nhận biết được vấn đề đó”.

Sợ đến nỗi nhịn luôn cả uống nước

Có cô con gái học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Hà Nội, chị Lê Thúy Ngân bức xúc: “Mỗi năm chúng tôi đều phải đóng tiền vệ sinh cho trường thuê người dọn vệ sinh, thậm chí đóng cả tiền mua giấy nhưng vẫn rất bẩn”.

Chị Ngân biết được điều này khi một lần tình cờ dẫn con vào nhà vệ sinh của trường nhưng cô con gái chả dám đi và kêu bẩn.

Nghe con nói vậy, chị vào tận nơi xem thì mới hiểu rằng tại sao con lại sợ đến vậy. “Bệ vệ sinh mốc xì mốc xịt, hoen ố, nhà thì hôi hám. Nghe bảo nhà trường mỗi tháng trả lương thuê người dọn vệ sinh nhưng chả biết có dọn hay không. Họp phụ huynh tôi có phản ánh lại nhưng chả ăn thua, rồi đâu lại vào đấy”, chị Ngân kể.

20160808091429 nvsinh1
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Chính vì điều này, mà ở lớp, con gái chị rất lười uống nước bởi sợ uống nhiều sẽ phải đi vệ sinh. “Con lười uống nước đến nỗi có đợt còn bị đi tiểu buốt. Quá nguy hiểm và tôi thêm việc phải nhắc cháu uống nước thường xuyên”.

Chị Ngân cho rằng, việc nhà vệ sinh trở thành một nơi đáng sợ trong mắt trẻ nhỏ phần lớn do các giáo viên thiếu trách nhiệm.

“Tất nhiên có thể một phần do học sinh ý thức kém. Nhưng suy cho cùng vẫn do nhà trường và các giáo viên bởi phải có trách nhiệm đôn đốc việc dọn vệ sinh sạch sẽ trong trường, hơn nữa là giáo dục các em lối sống vệ sinh, sạch sẽ”, chị Ngân nói.

Nhiều hệ lụy nguy hiểm

Về điều này, Bác sỹ, Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Lan Hải cho rằng có nhiều lý do khiến các học sinh ngại phải dùng nhà vệ sinh ở trường.

“Ấn tượng đầu tiên là bẩn kinh khủng như thiếu nước dội, không có giấy, khai thối và mỗi lần phải “đi” là một lần các em bị khủng bố các giác quan. Cùng đó là không gian chật chội, thiếu ánh sáng và ít được quét dọn. Ngoài ra còn các yếu tố thiếu an toàn như cửa lung lay, hỏng chốt, thậm chí bị mất cánh cửa, sàn trơn trượt dễ ngã,… Và gần đây còn thêm một mối lo ngại là sợ kẻ xấu nấp sẵn trong đó gây hại”, bác sỹ Lan Hải nêu thực tế.

Theo bác sỹ Lan Hải, việc các em nín tiểu và nhịn đi vệ sinh sẽ gây hại về mặt sức khỏe như dẫn tới tâm lý khó chịu, ức chế gây mất tập trung học tập. Về lâu dài có thể dẫn đến các bệnh lý giãn bàng quang, sỏi tiết niệu, táo bón. “Ngoài ra, cơ thể có cơ chế hoạt động thần kinh rất tinh vi để nhắc nhở loại bỏ chất thải bằng phản xạ mót đi tiêu, tiểu. Nếu trẻ thường xuyên lờ đi sẽ khiến cơ chế này không còn nhạy nữa. Nhịn vệ sinh khiến “bình tiểu” căng lên còn chèn ép “hàng xóm” là cơ quan sinh dục, khiến cơ thể các em bị căng thẳng”, bác sỹ Lan Hải cảnh báo.

Bên cạnh đó, theo bác sỹ Lan Hải, nếu trẻ cố tình nhịn uống nước thì cơ thể sẽ tự giác tận dụng nước từ chất thải trong ruột già để tái sử dụng (khoảng 400ml mỗi ngày) khiến da xỉn màu, phân khô gây táo bón, gây trĩ. Về lâu dài, tính khí cũng trở nên bực dọc và dễ cáu gắt.

Tác giả bài viết: Thanh Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok