Theo Bloomberg, Công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đang đưa ra các ước tính doanh số smartphone toàn cầu của họ. Đồng thời xem xét các chiến lược khác nhau bao gồm việc ngừng một số mẫu smartphone mới nhất như Honor 20.
Honor 20 sẽ được lên kệ tại các khu vực của châu Âu vào 21/6 tới, bao gồm cả Mỹ. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của Huawei sẽ giám sát và có thể cắt giảm lượng hàng xuất xưởng nếu doanh số không như mong đợi.
Trong một diễn biến khác, hai nhà mạng lớn nhất nước Pháp đã chấm dứt hợp tác với Huawei.
Các lãnh đạo bán hàng và marketing của Huawei dự đoán số smartphone hãng này bán ra năm nay có thể giảm khoảng 40 đến 60 triệu chiếc. Doanh số smartphone bán ra thị trường nước ngoài chiếm một nửa trong tổng số 206 triệu chiếc mà Huawei xuất xưởng năm 2018.
Huawei gặp khó khăn, doanh số smartphone bán ra ngoài Trung Quốc có thể sụt giảm nghiêm trọng
|
Hồi tháng 5 vừa qua, Huawei bị Washington đưa vào "danh sách đen", cô lập các hãng linh kiện và phần mềm của Mỹ mà Huawei rất cần để duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Bao gồm hệ điều hành Android để cập nhật các ứng dụng quan trọng cho smartphone bán ra thị trường nước ngoài. Nếu không có sự đồng ý của Google, những smartphone như Honor 20 sẽ không có được những ứng dụng quan trọng như Google Maps và Gmail.
Về dài hạn thì Huawei cũng đang tự phát triển chip và các phần mềm di động của riêng mình để không phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài. Hãng này cũng đang đi sâu vào các sản phẩm cao cấp hơn như các thiết bị có thể gập. Nhưng Huawei đã phải trì hoãn việc ra mắt chiếc Mate X do không được dùng hệ điều hành Android.
Năm 2018, Huawei đã vượt qua Apple để trở thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ 2 toàn cầu. Nhưng với tình thế hiện tại, Huawei khó mà giữ được vị trí này.
Hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc đặt mục tiêu chiếm một nửa thị phần smartphone trong nước năm 2019 để có thể bù đắp sự sụt giảm ở thị trường nước ngoài. Tuy vậy, theo một số giám đốc điều hành cho rằng mục tiêu này rất khó để có thể đạt được.
Tác giả: Hải Nguyên
Nguồn tin: Báo VietNamNet