Cuộc nghiên cứu này được xuất bản trên tạp chí The Consumer in a Connected World và trên trang The Harvard Business Review trong đó có ghi rõ quá trình thực hiện. Theo đó, cuộc nghiên cứu đã tập hợp hàng trăm người tình nguyện để tham gia vào một thí nghiệm.
Họ được yêu cầu tham gia 2 công việc hoạt động trí óc khác nhau và trong lúc làm việc, lúc thì điện thoại của họ ở trên bàn, lúc khác để trong ba lô hoặc túi quần, lúc thì để ở một căn phòng khác. Dù ở tình huống nào, điện thoại cũng được tắt hết chế độ rung và đổ chuông.
Kết quả là những người tham gia đạt được hiệu suất công việc cao nhất khi điện thoại của họ đặt ở một căn phòng khác. Ngay cả khi điện thoại của họ đã bị tắt, họ vẫn làm việc tốt hơn khi điện thoại nằm ngoài tầm mắt của họ. Cuộc thử nghiệm đã đi đến kết luận thứ nhất, đó là hiệu suất công việc của ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi có điện thoại bên cạnh – dù nó còn hoạt động hay đã tắt máy.
Tốt nhất là không sử dụng smartphone khi làm việc. |
Sau khi hoàn thành thí nghiệm, các nhà khoa học đã phỏng vấn những người tham gia. Họ được hỏi rằng hiệu suất làm việc của họ có bị điện thoại làm ảnh hưởng hay không? Và đa phần câu trả lời của họ đều là “không”. Kết luận thứ hai được đưa ra, đó là phần lớn chúng ta không nhận ra được sự tác động của điện thoại lên hành vi của mình.
Các nhà khoa học còn nhận ra trong những người tình nguyện tham gia thử nghiệm, nhóm người bị ảnh hưởng nặng nhất là những người cảm thấy bồn chồn, không chịu được khi phải xa điện thoại của họ dù chỉ một ngày. Trước đó, năm 2015, một cuộc nghiên cứu được thực hiện và cho ra kết quả tương tự, đó là hiệu suất công việc bị ảnh hưởng khi nghe điện thoại rung hoặc đổ chuông dù người nghe không tương tác với nó.
Vì vậy, các nhà khoa học đưa ra lời khuyên rằng để đạt được sức làm việc tốt nhất, ta nên đặt điện thoại ở một căn phòng khác. Như vậy, khả năng tập trung của ta sẽ tốt hơn.
Tác giả: Ngọc Quang
Nguồn tin: Báo Người đưa tin