Nhiều tân sinh viên gặp rắc rối vì bút phê của lãnh đạo xã vào sơ yếu lý lịch |
Bà Lê Thị Kim Dung- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục & đào tạo cho biết, trước đây để các nhà trường làm tốt hơn công tác quản lý người học, thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh sinh viên, nhất là nhóm các em thuộc diện chính sách, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 58/2007/QĐ-BGDĐT ngày 12/10/2007, tại Điều 4 có quy định hồ sơ nhập học của học sinh sinh viên gồm 8 loại giấy tờ, trong đó có Lý lịch học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, ngày 25/01/2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, trong đó, tại Khoản 3 Điều 14 của Quy chế quy định hồ sơ thí sinh trúng tuyển nộp vào trường gồm 5 loại giấy tờ, không có Lý lịch học sinh, sinh viên.
"Từ năm học này học sinh sinh viên khi làm thủ tục nhập học không cần làm xác nhận sơ yếu lý lịch" - bà Dung khẳng định.
Theo bà Dung, quy định tại khoản 3 Điều 156 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.
"Chính vì vậy, từ năm học này, học sinh, sinh viên là thủ tục nhập học không phải nộp xác nhận sơ yếu lý lịch. Bộ GD&ĐT cũng không có văn bản nào yêu cầu địa phương xác nhận cả việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật vào sơ yếu lý lịch của tân sinh viên" - bà Dung nhấn mạnh.
Mẫu Lý lịch học sinh, sinh viên (Ảnh: Báo An ninh Thủ đô) |
Trước ý kiến về việc hồ sơ học sinh, sinh viên được bán phổ biến hiện nay có đóng dấu đỏ của Bộ GD&ĐT, bà Dung khẳng định: "Bộ không phát hành mẫu Lý lịch học sinh, sinh viên".
Bà Dung cho biết, học sinh sinh viên thực hiện việc xác nhận các nội dung khai trong sơ yếu lý lịch (nếu có yêu cầu) tại UBND các phường/xã nơi cư trú tuân theo các qui định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí