Mới đây, Trường ĐH Quốc gia TP.HCM đã đưa ra tiêu chuẩn dự tuyển là sinh viên năm 3 và 4 có điểm trung bình tích lũy đạt loại khá trở lên (7,0 điển trở lên) sẽ được học thẳng lên chương trình thạc sĩ mà không cần đợi sau khi có bằng đại học.
Dư luận không còn lạ với những người là thạc sĩ nhưng chạy xe ôm, bán trà đá. Ảnh: Dân trí |
Với quy định này, sinh viên đáp ứng đủ điều kiện sẽ được nhận 2 bằng đại học và thạc sĩ trong khoảng 4,5-5,5 năm.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng vừa có thông báo về việc xây dựng chương trình đào tạo mới này.
Hướng đào tạo nói trên đang đặt ra nhiều câu hỏi. GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam băn khoăn: "Có phải các trường đang tiến tới phổ cập bằng thạc sĩ?".
Dù kể cả khi được giải thích là sinh viên viên được phép học liên thông lên chương trình cao học nhưng chỉ sau khi có bằng ĐH mới được xét tới bằng thạc sĩ thì cũng không thể khiến xã hội yên tâm. Kể cả việc đặt ra các điều kiện đi kèm như tiêu chuẩn về ngoại ngữ, khóa luận tốt nghiệp... GS Phạm Tất Dong vẫn không đồng tình với chủ trương trên.
Vị GS phân tích: Thứ nhất, theo thống kê năm 2017, trong hơn 72.000 giảng viên đại học Việt Nam số thạc sĩ đang chiếm là 43.000 người, chưa tính tới số thạc sĩ tại các khu vực hành chính, quản lý nhà nước.
Trong khi đó, thống kê năm 2017 cũng cho biết, cả nước có khoảng 237.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đang thất nghiệp. Nếu nhìn vào số liệu này, có thể nói chủ trương trên rất mâu thuẫn.
"Việt Nam không thiếu thạc sĩ vậy còn cho sinh viên học thẳng lên thạc sĩ để làm gì?", GS Phạm Tất Dong đặt câu hỏi.
Theo vị GS, với xu hướng cho sinh viên đại học được học thẳng lên thạc sĩ không khác nào đang tiến tới phổ cập bằng thạc sĩ.
Với xu hướng này, vị chuyên gia lo ngại đào tạo thạc sĩ sẽ bị biến tướng theo chiều hướng tiêu cực.
"Không hiểu mục đích của việc học thẳng lên thạc sĩ này để làm gì nhưng rõ ràng có thể sẽ tạo kẽ hở cho việc chạy chọt, đút lót để được điểm cao, thành tích tốt, đạt chỉ tiêu xét tuyển. Như vậy là tiêu cực chồng tiêu cực, rất không ổn", vị GS băn khoăn.
Thứ hai, với tình trạng thạc sĩ đang bị dư thừa, GS Phạm Tất Dong nói thẳng không cần đào tạo thêm thạc sĩ nữa. Ngoài việc thạc sĩ chỉ có cái danh nhờ bằng cấp thì hiện tại sự đóng góp của các thạc sĩ vào các công trình nghiên cứu là rất hạn chế.
"Cơ chế lâu nay vẫn quá coi trọng bằng cấp khiến Việt Nam nhiều thạc sĩ, tiến sĩ nhưng lại không có đóng góp nhiều cho khoa học.
Chạy theo bằng cấp chỉ để được bổ nhiệm, thăng tiến và nhận lương cao hơn mà không quan tâm, trú trọng tới chất lượng đào tạo, không quan tâm chất lượng đầu ra. Vì thế, học càng cao thì thất nghiệp càng nhiều.
Nếu bây giờ cho học thẳng lên sẽ tạo ra xu hướng chạy theo bằng thạc sĩ, vừa mất thời gian, vừa tốn kém, nguy cơ thất nghiệp càng lớn hơn", GS Phạm Tất Dong nói.
Thứ ba, GS Phạm Tất Dong cho rằng, đào tạo thạc sĩ bắt buộc phải trải qua một thời gian trải nghiệm, nghiên cứu, đóng góp nhất định, không thể tự nhiên mà lên làm thạc sĩ được.
Từ những lo ngại trên, GS Phạm Tất Dong yêu cầu Bộ GD-ĐT phải kiểm tra lại vấn đề này. Bên cạnh đó, vị GS cũng cho biết, đây là chủ trương lớn cần phải được lấy ý kiến rộng rãi.
"Thừa vẫn thừa, đào tạo vẫn đào tạo thì triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?
Cái chúng ta cần bây giờ là phổ cập tri thức đại học, không phải bằng đại học, cũng không phải bằng thạc sĩ.
Chỉ khi có tri thức đại học thì người học mới thích ứng, tiếp thu được công nghệ kỹ thuật, mới áp dụng được trí tuệ sáng tạo vào trong sản xuất.
Thế giới đang hướng tới xu hướng học tại nơi làm việc, tức là học để đi làm, Việt Nam cũng phải hướng tới xu hướng chung của thế giới. Không phải đi học để lấy bằng", GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Tác giả: Thái Bình
Nguồn tin: Báo Đất việt