Không khí đón chào Tết Nguyên Đán đã tràn ngập khắp phố phường, từ ngọn cây, góc phố, cho tới những tấm biển “chào xuân” đều đã được trưng cao rạng ngời. Tuy nhiên tại các siêu thị điện máy - nơi tưởng như sẽ tập trung rất đông khách mua hàng nhân dịp cuối năm thì lại vắng bóng một cách đầy khó hiểu.
Dạo qua một số siêu thị điện máy khu vực nội thành Hà Nội như Nguyễn Kim, MediaMart, HC, Pico,… tình trạng vắng khách là điều khá dễ nhận thấy.
Theo T, một nhân viên bán hàng tại siêu thị Nguyễn Kim, Hà Nội thì lượng khách mua hàng dịp cuối năm, dịp Tết, nhìn chung đã giảm so với năm ngoái, và càng rõ rệt hơn khi so với thời điểm một vài năm về trước.
Tại những quầy hàng vốn dĩ tập trung rất đông khách tham quan như TV, điện thoại thông minh,… thì nay chỉ lác đác bóng người mua. Còn lại đa số những người rảo bước đi quanh sạp hàng thì đều là nhân viên của siêu thị.
Lý giải cho điều này, nhân viên T cho biết ngày càng có đông người mua hàng trực tuyến qua mạng, hoặc nếu không thì cũng chọn cách gọi điện đặt mua qua tổng đài để tránh “lên phố” trong dịp giáp Tết vì sợ cảnh “chen lấn”.
“Gần Tết, tâm lý người tiêu dùng vẫn muốn sắm đồ, nhưng ngại ra đường hoặc vào các siêu thị sẽ gặp cảnh chen lấn xô đẩy. Thế nhưng lại không ngờ rằng ở siêu thị lớn như này cũng làm gì có mấy người mua đâu”, T cười nói.
Bên cạnh đó, việc ngày càng nhiều mặt hàng và nhiều địa điểm của các siêu thị xuất hiện nên ngay cả tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, cũng khiến người mua không tập trung quá đông tại một nơi cụ thể.
Trái lại, ở “mặt trận” bán hàng online, các siêu thị điện máy, đại lý bán lẻ, hay thậm chí là các shop tự mở dưới dạng page bán hàng trên Facebook cũng đều ghi nhận lượng người mua tăng cao đột biến.
Trà, một thương nhân bán phụ kiện điện thoại trên mạng Facebook cho biết các sản phẩm của shop đều “cháy hàng” trong dịp giáp Tết. Thậm chí phải thường xuyên xin lỗi khách vì đặt mua nhưng không còn hàng để chuyển tới.
Phương, một người tiêu dùng bắt đầu tham gia thương mại điện tử (TMĐT) từ năm 2014 thì khẳng định “bán hàng online sẽ ngày càng phổ biến hơn”, khiến người mua thậm chí không cần phải ra đường hay vào các siêu thị trong một vài năm tới.
Trên thực tế, Việt Nam cũng đang được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm (cao gấp 2,5 lần so Nhật Bản). Theo một nghiên cứu khác, các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng Internet và công nghệ tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì tăng doanh thu gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%.
Tuy nhiên theo một vài người mua, hiện khâu vận chuyển - giao hàng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của đông đảo khách hàng vì thời gian chuyển tương đối chậm, lại thỉnh thoảng vẫn phát sinh sự cố gây hỏng đồ, hoặc nhận phải đồ không đúng như đặt mua.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí