Pháp luật

"Siêu lừa" Huyền Như: Dùng cả gia sản để bồi thường, mong sớm kết thúc vụ án

Sau 2 ngày làm việc, chiều 29/5, phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của 4 công ty và bị cáo Võ Anh Tuấn liên quan đến hành vi lừa đảo của Huyền Như đã bước vào phần nói lời sau cùng. 10h hôm nay tòa sẽ tuyên án.

Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại phiên tòa phúc thẩm.

Dù không kháng cáo nhưng do liên quan đến vụ án nên HĐXX cho phép Huyền Như có ý kiến. Trình bày trước tòa bị cáo mong muốn kết thúc vụ án đã kéo dài qua nhiều năm. Như thừa nhận tội danh truy tố là đúng và cho biết đã dùng cả gia sản để khắc phục hậu quả.

Bị cáo Như tỏ ra ân hận vì hành vi của mình, đồng thời cho rằng nếu các công ty không có quan hệ cá nhân với mình và không được trả tiền lãi ngoài thì chưa chắc họ đã gửi tiền vào ngân hàng. Huyền Như cũng mong HĐXX xem xét để có thể yên tâm cải tạo, sớm về với gia đình.

Trước đó trong phần tranh luận, luật sư Trương Thị Hòa (bảo vệ cho Vietinbank) cho rằng ngân hàng không ủy quyền cho Huyền Như huy động vốn và Như cũng không phải là đại diện theo pháp luật của Vietinbank.

Theo bà Hòa, sở dĩ Như có thể chiếm đoạt được tiền của các công ty là vì họ đã không quan tâm đến tài khoản tiền gửi của mình. Cũng theo bà một số công ty đã giao dịch với cá nhân Huyền Như ngoài trụ sở Vietinbank và liên tục ký các hợp đồng ủy thác đầu tư dù không đến chi nhánh làm việc.

Đồng quan điểm này, các luật sư bảo vệ cho Vietinbank lập luận, ngân hàng hoàn toàn không biết “thỏa thuận ngầm” giữa Huyền Như với các công ty về chi trả lãi vượt trần; họ cho rằng đây là những giao dịch trái pháp luật.

Luật sư Nguyễn Văn Ngoan còn đưa ra thông tin các công ty thực chất chính là “sân sau” của các ngân hàng, được thành lập với mục đích che giấu các giao dịch sai quy định, nhằm hưởng lãi suất cao, thậm chí đã giao quyền định đoạt tài sản cho Như, chưa ký hợp đồng nhưng vẫn chuyển tiền đến.

Đáp lại, luật sư của bốn công ty tiếp tục cho rằng Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường chứ không phải Huyền Như bởi tiền đã được chuyển vào ngân hàng. Luật sư Trần Minh Hải (bảo vệ cho Công ty Phương Đông) đề nghị HĐXX trả hồ sơ, điều tra lại để làm rõ các vấn đề còn khúc mắc.

Trong khi đó, Viện kiểm sát (VKS) khẳng định Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường bởi ngân hàng không có lỗi trong giao dịch của các công ty với Huyền Như. Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt ngay từ đầu, sau đó thỏa thuận lãi suất vượt trần và dùng lệnh chi giả để rút tiền. VKS cho rằng Như phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Theo kết quả điều tra, giữa năm 2011, Như biết một số công ty muốn gửi tiền nên tìm gặp và thỏa thuận với một số công ty để mời gọi gửi tiền với mức lãi suất lên đến 18-20%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất quy định khi đó là 14%/năm.

Bằng cách này, Như đã chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của 4 công ty, bao gồm: 209 tỷ của Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya; 380 tỷ của Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông; 124 tỷ của Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu; 170 tỷ của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Như bị tuyên án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng tội danh này bị cáo Võ Anh Tuấn bị tuyên mức án 7 năm tù giam. Như cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bốn công ty 860 tỷ đồng.

Sau bản án này Võ Anh Tuấn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bốn công ty kháng cáo yêu cầu Vietinbank trả số tiền 860 tỷ đồng. Trong phần tranh luận tại phiên tòa này, VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo của Võ Anh Tuấn và bốn công ty, giữ nguyên án sơ thẩm.

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok