Thế giới

Siêu điệp viên '9 ngón' của Đức ra tòa vì trốn thuế

Ở tuổi 77, Werner Mauss, siêu điệp viên Đức với biệt danh "M Khét tiếng" hay "Người đàn ông 9 ngón", phải ra tòa với cáo buộc trốn hàng triệu USD tiền thuế.

Trong 3 thập kỷ qua, Werner Mauss được xem là câu trả lời của nước Mỹ đối với hình tượng Điệp viên 007 của Mỹ. Quan trọng hơn, Mauss là một nhân vật có thật. Ông thay tên đổi họ, đi trên chiếc phi cơ riêng, di chuyển qua lại trong bóng tối giữa thế giới ngầm của bọn tội phạm với các cơ quan tình báo. Ông gài bẫy những kẻ buôn bán ma túy, lấy lại những món hàng bị đánh cắp, thương lượng với bọn khủng bố.

Sau một sự nghiệp lẫy lừng với những lần băng qua làn đạn và phóng trên những chiếc xe chạy tốc độ cao, người đàn ông 77 tuổi đối mặt với một khó khăn "trần tục" hơn rất nhiều: ra toà vì trốn thuế.

Guardian cho biết vào ngày 18/9, Mauss dự kiến xuất hiện tại một tòa án cấp hạt ở thành phố Bochum để tham dự phiên tranh tụng cuối cùng trong phiên tòa xét xử cáo buộc ông đã trốn thuế 14,6 triệu USD để sống một đời sống xa hoa và tốn kém. Nếu bị tuyên có tội vào cuối tuần này, Mauss có thể lãnh đến 6 năm và 3 tháng tù giam.

Mauss xuất hiện tại tòa án cấp hạt ở thành phố Bochum. Ảnh: AFP.Điệp viên 'tự học'

Werner Mauss sinh năm 1940 ở Essen, thành phố ở miền Tây nước Đức. Từ rất sớm, Mauss đã phát hiện ra khả năng chinh phục người lạ của mình khi ông làm công việc gõ cửa các gia đình và chào bán máy chùi thảm. Chưa đầy 30 tuổi, Mauss mở một công ty thám tử cùng người vợ đầu tiên của mình, ban đầu chuyên cung cấp dịch vụ theo dõi những người chồng ngoại tình, những người bán bảo hiểm lừa đảo rồi sau đó tiến đến những băng đảng tội phạm.

Mauss thường giả làm một nhà môi giới chuyên đi mua lại những món hàng bị ăn cắp như ôtô, đồ lông thú hoặc trang sức. Khi những tên ăn cắp tiết lộ cho ông về phi vụ tiếp theo của chúng, ông mang những thông tin này đi "chỉ điểm" cho cảnh sát. Phương pháp này, theo lời kể của Mauss khi ông trả lời phỏng vấn nhà báo Stephan Lamby vào năm 1998, bao gồm việc "kéo đối tượng đi qua những vùng tâm lý khác nhau", cho họ đối mặt với những thử thách trí tuệ rồi ép họ tiết lộ nhiều hơn dự định ban đầu.

Từ năm 1970 đến 1996, tên của Mauss gắn liền với hầu hết mọi băng đảng tội phạm lớn ở Tây Đức. Theo cuốn hồi ký do nhà báo Stefan Aust chấp bút, Mauss đã khiến ít nhất 162 kẻ buôn kim cương, kẻ trộm và buôn ma túy bị bắt chỉ từ tháng 6/1970 đến tháng 5/1971. Năm 1983, chính phủ Đức trực tiếp yêu cầu Mauss thu hồi 41 thùng chất thải độc bị thất lạc trong quá trình vận chuyển. Ông nhanh chóng tìm thấy chúng tại miền Bắc nước Pháp.

Cũng từ thập niên 1980, Mauss "vươn mình" ra nước ngoài. Ông đàm phán với nhóm phiến quân Hezbollah để đổi lấy sự tự do cho các nhà tư bản công nghiệp bị bắt cóc tại Lebanon. Ông đi bộ trong rừng già ở Nam Phi để thương thảo với nhóm du kích ELN nhằm thả một công dân Đức.

Werner Mauss gọi mình là "điệp viên chìm đầu tiên của Đức". Ảnh: Getty.

Mauss bị chính phủ Colombia lật mặt và bắt giam 9 tháng vào năm 1996. Người đàn ông này tuyên bố ông vẫn tiếp tục các phi vụ đầy tính chất "007" ngay cả sau khi bị lật mặt. Ông tuyên bố mình tham gia các nhiệm vụ tại Iraq, Israel, Myanmar, Thái Lan và cả "cuộc chiến chống IS".

Dù vậy, một số yếu nhân mà Mauss cho rằng sẽ làm chứng cho các sự kiện trên của ông đều đã không thể giúp ông. Một quan chức cảnh sát Đức thậm chí đã chết cách đó nhiều năm.

'Đế chế' tự xây

Mauss sống một cuộc sống xa hoa với đồng hồ Thụy Sĩ, áo khoác bằng lông thú, các khách sạn thượng lưu, siêu xe Porches và một chiếc phi cơ Cessna 172, phương tiện ông thường dùng để di chuyển thẳng đến các địa điểm làm nhiệm vụ trên thế giới. Đường băng được đặt ngay trong cơ ngơi rộng hơn 16.000 ha của ông ở vùng Hunsruck, phía tây nam nước Đức.

Cơ ngơi được rào kín của Mauss đã trở thành một nơi mà tờ báo Rhein-Zeitung gọi là "lâu đài Disney". Bên trong cơ ngơi này, Mause đã cho xây cả chùa chiền, một sở thú cá nhân với cừu mouflon, dê núi, sơn dương, sếu và công. Ông còn sở hữu cả trường đua cá nhân lớn nhất nước Đức.

Các công tố viên Đức tin rằng cuộc sống xa hoa của Mauss được nuôi dưỡng nhờ 2 tài khoản hải ngoại ở Luxembourg và Bahamas, được mở với công ty tài chính UBS. Mauss bị cáo buộc đã không đóng thuế cho 2 tài khoản này từ năm 2002 đến 2012, với tổng số tiền thuế hơn 50 triệu USD. Một quản lý của UBS nói với các điều tra viên rằng Mauss thường xuyên đến Luxembourg để rút tiền từ tài khoản, mỗi tháng khoảng 350.000 USD.

Mauss nói rằng ông không phải trả thuế cho tiền trong các tài khoản đó vì số tiền đến từ một quỹ tín thác do các cơ quan tình báo phương Tây lập ra để hỗ trợ ông trong "cuộc chiến chống tội phạm và khủng bố".

Dù vậy, Mauss không thể giải thích vì sao các cơ quan tình báo phương Tây lại góp tiền cho một quỹ tín thác với điều kiện được cho là "rót tiền vào 'Bảo tàng Werner Mauss' sau khi Mauss chết".

Tác giả: Phương Thảo (Theo Guardian)

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok