Sáng 25/6, học sinh cả nước sẽ chính thức bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Đó là môn thi Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút. Buổi chiều cùng ngày, thi môn Toán, thời gian làm bài 90 phút.
Tại Nam Định, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia như cơ sở vật chất, an ninh, y tế…, đã được Sở GD-ĐT tỉnh phối hợp với các ban, ngành liên quan chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chặt chẽ, đảm bảo an toàn trong, ngoài, trước và sau kỳ thi.
Học ngày học đêm
Thời điểm này, các sĩ tử đều tranh thủ thời gian ít ỏi, học ngày học đêm để tổng hợp lại toàn bộ kiến thức mình đã được học tại trường. Có lẽ, đây là khoảng thời gian đầy lo lắng, hồi hộp nhất của đời học sinh.
Kết thúc buổi ôn luyện tại trường, em Vũ Minh Thanh, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trực Ninh (Nam Đinh) lại đạp xe trở về nhà nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc. Hoặc đánh một giấc ngủ vội để nạp năng lượng chuẩn bị cho buổi học đêm.
Em Vũ Minh Thanh “gồng mình” ôn thi |
Sau khi dùng bữa cơm tối cùng gia đình, đến 20h30, em lại ngồi vào bàn học, giở từng trang vở ôn lại bài cũ, đồng thời làm thêm những dạng bài thầy cô lưu ý. Vào những ngày cuối, càng sát kỳ thi, em càng tỏ ra lo lắng, hồi hộp, áp lực...
Theo em Thanh, đề năm nay được dự đoán là có tính phân loại cao, những câu khó sẽ đưa vào bản chất hiện tượng chứ không phải nặng về tính toán. Ngoài ra, có những câu hỏi mang tính định hướng thực hành mà ở trường các em ít có cơ hội tiếp xúc. “Có những buổi tối muốn lên giường ngủ sớm nhưng nghĩ đến kỳ thi, em lại cảm thấy lo sợ và bật dậy lao đầu vào học”, Thanh tâm sự.
Năm nay, Thanh đăng ký vào ngành Công nghệ thông tin (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), một trong những ngành lấy điểm cao nhất của trường. Mặc dù, là học sinh khá giỏi suốt 12 năm liền, nhưng Thanh lo ngại phải chọi với nhiều thí sinh cao thủ khác.
Còn em Đinh Thế Thành, học sinh Trường THPT Nguyễn Du (huyện Nam Trực) thổ lộ, mặc dù em đã ôn tập rất kỹ lưỡng, nhưng em vẫn cảm thấy hồi hộp, lo lắng trước kỳ thi. Còn 1 tuần nữa, nên em cũng đang gồng mình ôn thi để đạt được kết quả tốt nhất. “Em sẽ cố gắng hết mình. Dù kết quả có như thế nào đi chăng nữa thì em sẽ không hối tiếc”, Thành tự an ủi.
Phụ huynh cũng... đi thi
Đồng hành cùng các “sĩ tử”, không ai khác, chính là bố mẹ các em. Lo nhất của họ là sức khỏe, tinh thần con cái. Bởi các em tập trung quá sức cho việc học, chế độ ngủ nghỉ, ăn uống thất thường…, nên sức khỏe nhiều em sa sút thấy rõ.
Để nâng cao kiến thức, Thanh làm thêm các đề thi trên máy tính |
Chị Đinh Thị Ngát (mẹ em Vũ Minh Thanh) lo lắng, nhìn con thức khuya học bài, chị rất xót xa, vì vậy trước khi chị đi ngủ, chị đều pha cho Thanh một cốc sữa nóng, chuẩn bị ít đồ ăn nhẹ giúp em có thêm năng lượng, và không quên dặn con “ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe”.
Cùng tâm trạng, bà Nguyễn Thị Phương, phụ huynh của 1 học sinh khác chia sẻ, theo dõi qua tivi, đài báo, thấy nhiều trường hợp con học quá sức, đến ngày thi bị ngất.
“Các bậc phụ huynh, cần có sự chăm sóc chu đáo tới sức khỏe của con em và động viên các con tự tin, đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia. Không nên tạo áp lực cho các con”, bà Phương bộc bạch.
Tác giả: AN LÃNG
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam