Ngoài ra, hơn 30.500 ha lúa ở tỉnh Kiên Giang, phần lớn là diện tích lúa đang trong giai đoạn trổ chín bị sập, ngã đổ. Trong số này có gần 6.000 ha bị thiệt hại từ 30 – 70%.
Lúa sập nằm rạp trên đồng ở Kiên Giang
Cùng với việc giảm năng suất, còn làm tăng thêm chi phí sản xuất như: bơm thoát nước chống úng; gặt hái thủ công tăng chi phí 30 - 50% so với thu hoạch bằng phương tiện cơ giới. Lúa bị đổ ngã, thương lái kén mua hoặc mua với giá thấp hơn so với lúa hàng hóa cùng chủng loại. Giá lúa hiện đã giảm từ 4.900 đồng xuống còn 4.400 đồng/kg.
Mực nước trên các kênh trong nội đồng còn cao, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch, gieo sạ lúa. Nông dân các huyện đang khẩn trương gia cố bờ bao, bơm tháo nước ra chống úng ngập cho lúa. Ngành nông nghiệp đã cho mở 41 cống thoát lũ ra biển Tây ở khu vực tứ giác Long Xuyên để chống ngập úng cho lúa.
Hiện nay, người dân đang yêu cầu tháo dỡ 4 đập ngăn mặn gồm đập Hoà Điền, đập Rạch Giá – Hà Tiên, đập Kinh Nhánh và đập Kinh Cụt để tháo nước, chống ngập úng cho lúa và hoa màu. Tuy nhiên, triều cường ngoài biển dâng cao, chưa thể xả nước. Hiện nay, độ mặn đo được là 17 phần ngàn.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho rằng, nếu mở bất cứ đập nào trong số 4 đập này, mặn sẽ tràn vào sâu trong nội đồng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con nhiều hơn so với thiệt hại khi không mở đập. Biện pháp duy nhất vẫn là dùng máy bơm để bơm nước ra ngoài.
Ông Tâm nói: “Mưa khiến nước biển dâng cao, mặn sẽ xâm nhập thêm chứ xả không ra. Khi nắng lên và nước rút ra mới giải quyết được còn nếu mưa mà đề nghị mở các đập này mặn sẽ đẩy vào chứ không ra được”.
Bên cạnh hàng chục ngàn ha lúa bị thiệt hại, Kiên Giang còn có hơn 125 ha hoa màu các loại bị ngập úng./.
Tác giả bài viết: Lam Hiếu