Thu nhập "khủng"
Theo Báo cáo chế độ, tiền lương, tiền thưởng năm 2017 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), doanh nghiệp được xếp hạng "đặc biệt" này chi trả rất hậu hĩnh cho dàn lãnh đạo quản lý chủ chốt.
Thu nhập bình quân hàng tháng của viên chức quản lý doanh nghiệp này là 65,6 triệu đồng. Ước tính cả năm mỗi viên chức quản lý nhận được 787 triệu đồng, cao gấp đôi so với kế hoạch công bố đầu năm 2017.
Thu nhập của lãnh đạo SCIC gồm tiền lương, thù lao và tiền thưởng. Riêng mức tiền lương bình quân mỗi người quản lý là 45,2 triệu đồng/tháng (trong đó mức lương cơ bản là 29,7 triệu đồng/tháng, còn lại là thù lao). Sự thay đổi chủ yếu do quỹ tiền thưởng tăng đột biến so với năm trước, từ khoảng 5 triệu đồng lên trên 20 triệu đồng mỗi tháng.
Đây là mức thu nhập đáng mơ ước đối với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước cũng như tư nhân.
Trước đó, phản hồi ý kiến dư luận cho rằng mức thu nhập mà các sếp SCIC được hưởng là quá cao, SCIC khẳng định, quỹ tiền lương, tiền thưởng chi trả cho người lao động và thù lao cho người quản lý tại tổng công ty này được xác định theo đúng quy định của Nhà nước tại Thông tư số 26 và Thông tư số 27 năm 2016 của bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Việc chi trả lương, thưởng và thù lao của người quản lý sẽ được chi trả thông qua đánh giá xếp loại. Hàng tháng, người quản lý được tạm ứng bằng 80% tiền lương, thù lao tạm tính cho tháng đó, 20% còn lại được quyết toán và chi trả trước 31/3 năm sau liền kề.
Tiền thưởng được xác định theo năm và được tạm ứng 90% để chi trả và cuối năm gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh và các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Phần 10% còn lại được chi trả sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
Trừ lương nếu không đạt định mức 2.900 tỷ đồng
Liên quan đến thu nhập của lãnh đạo SCIC, mới đây, bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa đưa ra dự thảo Hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý của Tổng công ty.
Theo dự thảo, mức tiền lương bình quân kế hoạch (tính theo tháng) của người quản lý chuyên trách tại SCIC được xác định gắn với bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, nộp ngân sách theo quy định, năng suất lao động và khung lợi nhuận như sau.
Trường hợp lợi nhuận kế hoạch của SCIC đạt 2.900 tỷ đồng thì mức tiền lương bình quân kế hoạch tính theo lợi nhuận được tính bằng mức lương cơ bản.
Nếu lợi nhuận kế hoạch thấp hơn 2.900 tỷ đồng thì mức tiền lương bình quân kế hoạch xác định trên cơ sở mức lương cơ bản và giảm trừ theo nguyên tắc: cứ giảm 1% (so với định mức lợi nhuận 2.900 tỷ đồng) thì giảm trừ 0,5% mức lương cơ bản, nhưng thấp nhất bằng 1,2 lần mức tiền lương bình quân chế độ.
Trường hợp còn lại, khi lợi nhuận kế hoạch cao hơn 2.900 tỷ đồng thì mức tiền lương tính theo lợi nhuận được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản và hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương cơ bản (gọi tắt là Hln) gắn với quy mô lợi nhuận theo các mức 2.900 tỷ, 3.900 tỷ và 5.000 tỷ đồng.
Chưa hết, phần thu nhập cuối cùng của các lãnh đạo SCIC còn phụ thuộc vào tương quan tăng/giảm năng suất lao động so với năm liền trước.
Nhiều năm trở lại đây, lợi nhuận sau thuế của SCIC giữ ổn định ở 5.000 tỷ đồng - mức cao nhất để tính hệ số điều chỉnh tăng lương cơ bản theo dự thảo của bộ LĐTB&XH.
|
Cụ thể, năm 2013, doanh nghiệp được xếp hạng "đặc biệt" này ghi nhận lợi nhuận sau thuế 4.571 tỷ đồng, sau đó tăng lên mức 5.302 tỷ đồng vào năm 2014 và đạt ngưỡng 7.850 tỷ đồng vào năm 2015.
Năm 2016 và năm 2017, lợi nhuận sau thuế của SCIC đạt lần lượt 7.426 tỷ đồng và 6.448 tỷ đồng.
Năm 2018, SCIC đặt kế hoạch doanh thu 7.895 tỷ đồng, đem về lợi nhuận sau thuế 5.436 tỷ đồng.
Hiện nay, ban lãnh đạo SCIC gồm 7 người, trong đó ông Nguyễn Đức Chi làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty và 6 nhân sự khác gồm 2 thành viên HĐTV và 4 Phó Tổng giám đốc. "Ghế nóng" Tổng giám đốc SCIC vẫn chưa có chủ nhân sau khi ông Lại Văn Đạo nghỉ hưu từ 1/5/2016.
|
Tác giả: Hoa Liên
Nguồn tin: Báo Người đưa tin