|
Tại buổi họp báo giới thiệu về Ngày hội công nghệ thông tin lần thứ 4 của ngành GD-ĐT Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã đánh giá tầm quan trọng của CNTT trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy.
Nhờ ứng dụng CNTT vào giảng dạy, học sinh hứng thú học bài hơn, tiếp thu bài giảng nhanh hơn. Ví dụ như khi học về một phản ứng hóa học, học sinh biết được các chất hóa học thế nào, quá trình phản ứng thế nào... mà không cần phải dùng những chất hóa học thật.
Hoặc như học Ngữ văn, khi giảng về một từ ngữ liên quan đến một địa danh, giáo viên không cần phải mô tả kĩ càng bằng những từ ngữ mà có thể trình chiếu cho các em, cho các em đến tham quan ngay địa danh đó.
Việc công nghệ thông tin phát triển giúp ích rất nhiều cho việc dạy học. Tuy nhiên cũng có những mặt trái, mặt tiêu cực. Nhiều em học sinh quá phụ thuộc vào công nghệ nên mất dần những kĩ năng giao tiếp xã hội. Nhiều em vào internet để truy cập những trang web đen, tiếp cận những thông tin độc hại.
Ngày nay, máy tính bảng, điện thoại thông minh... rất phổ biến với học trò. Không ít trường hợp sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng đến chất lượng giờ học, hoặc đăng tải những điều tác động xấu bạn bè, thầy cô...
Ông Tiến cho biết, có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại vào đầu, cuối giờ hoặc giờ ra chơi, nhưng trong thời gian học, tuyệt đối cấm các em sử dụng điện thoại để tránh phân tâm khi giáo viên giảng bài.
Cũng có thể ở các lớp sẽ có một chiếc tủ con để giữ điện thoại. Khi đến lớp, học sinh có thể cất điện thoại vào tủ và cuối giờ nhận lại. Quy định cũng sẽ đề ra hình thức kỉ luật nếu học sinh vi phạm.
Sẽ không thể cấm học sinh sử dụng facebook. Tuy nhiên, sẽ có một số quy định như các em không được chửi bới bạn bè, nói xấu người khác trên trang cá nhân, không chia sẻ các bài viết không phù hợp thuần phong mỹ tục…
Các em có thể sử dụng trang thông tin cá nhân để chia sẻ các bài học hay, các kinh nghiệm tốt để phục vụ học tập. Thời gian qua, đã có nhiều vụ việc các em nói xấu nhau trên facebook dẫn đến xô xát, làm ảnh hưởng đến học tập.
Ông Tiến cho biết, dự kiến đây sẽ là các quy định, được đưa vào bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường: Từ trước đến nay, nhiều trường học trên địa bàn đã có các quy định riêng rẽ liên quan đến giáo viên và học sinh sử dụng điện thoại và facebook. Do đó, Sở sẽ có các quy định thống nhất trên địa bàn.
Tác giả: Vân Anh
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại